Phát biểu mới đây tại Hội nghị Thành ủy TP HCM (ngày 27/3/2016) Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tỏ ra hết sức sốt ruột. Ông nhấn mạnh: “TP HCM từng là “Hòn ngọc VIễn Đông”, từng ở vị trí số 1 trong khu vực mà nhiều thành phố, quốc gia như Thái Lan, Singapore… khát khao, ngưỡng mộ.
KỲ III: GÓC NHÌN TỪ NHỮNG "QUẢ ĐẤM THÉP"
Bao giờ “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Thánh Gióng”
Thế nhưng, hiện TPHCM đã tụt hậu so với nhiều tỉnh – thành trong nước, lọt ra khỏi tốp 3 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Phải phát triển TP HCM như những đặc khu Thẩm Quyến, Phố Đông (Trung Quốc)…”.
Hiện nay, TPHCM đóng góp gần 22% GDP của cả nước và nộp ngân sách chiếm gần 30% tổng thu ngân sách của quốc gia. Nói cách khác, sự tụt hậu của “đầu tàu” kinh tế TP HCM - ở góc độ nào đó – đều khiến nền kinh tế cả nước “lung lay”!
Thuận lợi lớn nhất là: năm 2009, TP HCM mới chỉ có 26,1% LĐ đã qua đào tạo, đến năm 2014 tỷ lệ này đã tăng lên 35%, đứng đầu so với toàn quốc là 18,2%. Dân số trong độ tuổi LĐ ở TPHCM gần 6 triệu người, chiếm hơn 73% tổng dân số toàn TP hiện nay. Như vậy, TP HCM có lực lượng LĐ rất dồi dào và sung sức.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội: Trên địa bàn TP HCM có hơn 50 trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và các cơ sở đào tạo nghề trong các trường ĐH, CĐ khác. Mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề này đủ sức thu nhận gần 40.000 chỉ tiêu đào tạo, thực tế chỉ thu hút được khoảng 50% chỉ tiêu. 50% LĐ đã qua đào tạo, vẫn còn khoảng 20% LĐ trình độ tay nghề thấp, dẫn đến năng suất LĐ thấp. Các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM khi tuyển dụng LĐ đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghề này, đã số đều phải đào tạo lại do doanh nghiệp tự tổ chức. Đây chính là sự lãng phí ghê gớm.
Cũng một tình trạng chung cả nước, hàng năm TP HCM có trên 1,1 triệu LĐ trẻ (từ 16 tuổi trở lên) bước vào thị trường LĐ. Tuy nhiên, có tới 85-90% số học sinh sau tốt nghiệp THCS (15-16 tuổi), chỉ tìm mọi cách học lên THPT, chỉ có 6,1% các em muốn thôi học để ra đời tự mưu sinh. Rõ ràng công tác dạy nghề phổ thông và hướng nghiệp là rất yếu kém…
Từ “quả đấm thép” ngành Dệt – May
Theo thạc sĩ Hà Lâm Oanh và Lê Quỳnh Hoa (ĐH Thủ Dầu Một): Dệt – May hiện là ngành xuất khẩu chủ lực của VN, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt tốc độ tăng trưởng 19% giai đoạn 2004 – 2014, đóng góp từ 10-15% GDP hàng năm của VN.
VN hiện nay thuộc top 5 quốc gia xuất khẩu hàng Dệt – May hàng đầu thế giới. Doanh thu hàng Dệt – May chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, đóng góp hơn 80% doanh thu toàn ngành. Khách hàng chủ yếu là các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ; Châu Âu; Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), với các sản phẩm may mặc chủ yếu cho phân khúc thị trường cấp trung và thấp.
Theo dự báo của Hiệp Hội Dệt – May VN, khi gia nhập TPP, xuất khẩu hàng Dệt – May VN sang Hòa Kỳ có thể tăng trưởng 12-13%/năm và có thể đạt 30 tỷ USD vào năm 2025, đưa quy mô xuất khẩu toàn ngành năm 2025 đạt khoảng 55 tỷ USD!
Những con số 30 tỷ USD – 55 tỷ USD nói trên đầy phấn khích. Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất tối ưu là 0% khi vào TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu Dệt – May VN phải đảm bảo điều kiện xuất xứ “từ sợi trở đi”, nhưng trên thực tế đa số doanh nghiệp của ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Theo Hiệp hội Dệt – May, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu ngành Dệt – May của ta hiện nay đạt khoảng 50% với Vải; 70% đối với phụ kiện; 80& đối với Bao bì; 90% đối với Chỉ.
Do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (chủ yếu là Sợi), nên VN được coi là “miền đất hứa” đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp FDI) trong lĩnh vực Dệt – May. Thống kê năm 2014, VN đã thu hút gần 20 dự án FDI mới vào ngành Dệt – May, phần lớn là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông.
Sự nở rộ các khu công nghiệp Dệt – May của khối FDI là nguy cơ lớn, khiến các doanh nghiệp Dệt – May VN khó tiếp cận được đơn hàng gia công trực tiếp từ nước ngoài. Do đó, chúng ta lâu nay vẫn chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm May mặc theo phương thức gia công, với tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 5-10%. Năng suất LĐ ngành Dệt – May VN thuộc diện thấp nhất khu vực và thế giới, là nguyên nhân chính khiến cho giá thành sản phẩm vẫn bị đẩy lên khá cao – dù giá cả nhân công của ta thuộc top rất rẻ.
Trong chuỗi giá trị từ Sợi trở đi của ngành Dệt – May, khâu yếu nhất chính là các khâu Dệt – Nhuộm. Đã thấy LĐ ngành Dệt – May của ta lâu nay chủ yếu vẫn là tự học, tự đào tạo theo kiểu kèm cặp trong các nhà máy – xí nghiệp là chính. Hiện tại, VN dang gần như bỏ trống khâu đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất: Sợi – Dệt – Lụa. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho ngành Dệt - May VN, khả năng tự thiết kế mẫu mã sản phẩm Dệt – May yếu, chủ yếu làm theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài để xuất khẩu…
Đến nỗi buồn mang tên Logistics VN
Logistics là hệ thống ngành nghề quan hệ chặt chẽ với nhau gồm: cầu – cảng, bến bãi, kho vận, vận chuyển, bốc xếp, dịch vụ hải quan, ngân hàng, đường sá, dịch vụ Công nghệ thông tin, phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng sông – cảng biển. Đây là những ngành nghề đang có sức thu hút nhất VN.
Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Logistics VN lo lắng: Mỗi năm gần đây, chi phí Logistics ở nước ta lên tới 37-40 tỷ USD! Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại chiếm đến 30-35 tỷ USD. Nói cách khác, “miếng bánh ngon” của ta đang bị họ nắm giữ.
Theo tính toán mới nhất: Chi phí cho kho vận ở VN (tính theo GDP) hiện cao nhất tới 25%, trong khi tại Mexico là 14%; Châu Âu 13%; Mỹ 9%..., bình quân thế giới khoảng 15%. Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường biển ở ta cao gấp 3 lần chi phí bình quân toàn cầu.
VN có trên 1.300 doanh nghiệp Logistics đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp do nước ngoài làm chủ chỉ chiếm khoảng 25 doanh nghiêp – nhưng họ lại chiếm tới 80% thị phần Logistics của VN (?!). Cũng như ngành xuất khẩu chủ lực Dệt – May nói trên, các doanh nghiệp Logistics của ta chủ yếu hoạt động trong phân khúc nhỏ - lợi nhuận thấp như: dịch vụ giao nhận hàng hóa; cho thuê kho bãi; dịch vụ hải quan; dịch vụ ngân hàng; bảo vệ.
Hầu hết doanh nghiệp Logistics VN chỉ làm đại lý cấp 2 – cấp 3 – cấp 4 cho các công ty toàn cầu. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Logistics VN – ông Trần Chí Dũng cho biết: Trong chuỗi giá trị các dịch vụ Logistics, VN chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu nội địa. Sự kém cỏi có nguyên nhân lớn nhất là do VN đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực Logistics và phần lớn chưa qua đào tạo, tính chuyên nghiệp kém.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen – ông Lê Phước Vũ trăn trở: “Hiện nay hệ thống cảng biển của ta dư công suất, nhưng tồn tại nhiều sự bất hợp lý. Một container đi theo đường bộ từ cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) về TP HCM phải mất chi phí 4,6 triệu đồng / container (24 tấn). Nếu vận chuyển bằng đường biển – đường sông, thì chi phí cũng 3,8 triệu đồng. Trong khi chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Sài Gòn đi cảng Bangkok chẳng hạn, chỉ hết khoảng 110 USD / 1 container. Rõ ràng, ở ta chỉ dăm bảy chục cây số mà chi phí gấp đôi. Năng lực cạnh tranh của VN đang suy yếu mạnh là vì vậy.
Theo báo Giáo dục và Thời đại.