Để lập lại trật tự thu phí cảng biển, tránh thất thu ngân sách khi giá cước vận tài biển và phụ phí không rõ ràng, Bộ Tài chính đã dự thảo một văn bản nhằm phân loại các khoản "phụ giá theo cước" nhằm thu thuế cho phù hợp. Dự kiến ngân sách sẽ có thêm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm từ việc điều chỉnh này.
Sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan hồi đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính dự định sẽ ban hành văn bản gửi cục thuế các địa phương hướng dẫn việc thu thuế đối với hoạt động vận tải biển.
Lâu nay các hãng tàu chỉ kê khai các khoản giá cước - có mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% và chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2% - và gộp vào đó hàng chục loại phụ phí “ăn theo” giá cước để hưởng thuế suất thấp, trong khi lẽ ra các loại phụ phí này phải đóng thuế đúng tính chất "dịch vụ khác" (10% thuế TNDN và 5% thuế GTGT).
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phải nộp các chi phí này trong khi ngân sách nhà nước không thu được khoản thuế tương xứng.
Theo dự thảo hướng dẫn sẽ ban hành của Bộ Tài chính, các khoản phụ giá được coi là cước vận tải biển là giá vận tải biển phụ (surcharges) mà người thuê tàu xuất khẩu dạng CIF, nhập khẩu dạng FOB phải thanh toán bao gồm: phí xếp dỡ container, phụ cước xăng dầu, phí an ninh, phí biến động tỉ giá, phí tắc nghẽn cảng, phí mùa cao điểm, phí vận tải mùa đông, phí thời tiết xấu được coi là cước vận tải biển, sẽ chỉ phải nộp mức thuế GTGT 0% và thuế TNDN là 2%.
Các loại phí còn lại của các hãng tàu nước ngoài bao gồm các khoản phụ giá mà doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam phải trả cho các hãng tàu nước ngoài không phải thuộc danh mục nêu trên thì được coi là phí dịch vụ, phải nộp thuế GTGT theo tỉ lệ 5% trên doanh thu và nộp thuế TNDN theo tỉ lệ 5%. Trường hợp các hãng tàu Việt Nam cung cấp dịch vụ xuất khẩu kể cả vận tải biển quốc tế thì thu thuế GTGT 10%.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước tính số tiền thuế chênh lệch thu được từ việc nộp thuế theo giá cước (2%) và theo giá phụ phí (10%) là rất lớn. Ví dụ năm 2015, tổng hợp hàng chục loại phụ cước của 20 doanh nghiệp vận tải biển ra con số là 77.114 tỉ đồng. Nếu thu đúng, bóc tách khoản thu giữa cước và phụ phí thì ngân sách sẽ có thêm hơn 6.000 tỉ đồng
Vài năm trở lại đây, ngành vận tải biển quốc tế đang có sự thay đổi kết cấu các khoản thu theo hướng giảm tối đa mức cước vận tải và thay vào đó là các khoản phụ cước, phụ phí đi kèm. Nhiều hãng tàu có tổng số thu từ các khoản phụ phí này cao hơn so với cước vận tải. Thậm chí có hãng tàu hầu như không thu cước vận tải mà chỉ tập trung vào phụ phí.
Việc xác định 68 loại phụ phí đang bị các hãng tàu thu là cước vận tải hay không phải cước vận tải sẽ xác định chính xác nghĩa vụ thuế nhà thầu của các hãng vận tải biển.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.