Với sự đồng ý của Chính phủ, năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc sẽ được xuất khẩu 2,05 triệu tấn than.
Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm, trong giai đoạn 2016 - 2020, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về Vinacomin và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.
Việc xuất khẩu than của giai đoạn 2011 - 2015 có xu hướng giảm mạnh, từ 16,979 triệu tấn vào năm 2011, xuống còn 6,125 triệu tấn vào năm 2014 và chỉ còn 1,2 triệu tấn vào năm 2015. “Hoạt động xuất khẩu than của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc giai đoạn 2011-2015 là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Quảng Ninh, trong quý I/2016, đã có 30.800 tấn than được xuất khẩu qua khu vực này, với trị giá 2,2 triệu USD, giảm 94% về lượng (tương đương 515.000 tấn) và giảm 96% về trị giá (tương đương 59,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng than xuất khẩu giảm mạnh như trên, số thu thuế xuất khẩu mặt hàng này mới chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 96% (tương đương 116 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công thương cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện, tính toán theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh, cũng có sự tăng mạnh. Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cũng cho ra kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm, từ nay tới năm 2030.
Theo Bộ Công thương, nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tăng được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.
Các chuyên gia cũng cho biết, đặc thù của ngành khai thác mỏ không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và thời gian đầu tư mỏ thường kéo dài từ 6 - 8 năm, mới có thể khai thác được than. Vì vậy, để huy động tối đa sản lượng than đáp ứng cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu than cho điện tăng nhanh từ sau năm 2015, ngành than đã và đang đẩy mạnh công tác thăm dò, cải tạo mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng một số mỏ mới để chuẩn bị đủ diện tích khai thác, nhằm gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các hộ tiêu thụ trong nước.
Việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn được Bộ Công thương nhận định, sẽ là điều kiện để Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất ưu đãi và thời hạn kéo dài khoảng 5 năm, cũng nhưNgân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Đó là chưa kể tới hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản, đang trợ giúp thực hiệnDự án đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than, hiện đã bước sang năm thứ 14, với số tiền luỹ kế là 85 triệu USD; hay Dự án Đào tạo nhân lực cho Trung tâm Quản lý khí mỏ, với kinh phí tương đương 100 triệu USD của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… chỉ để đảm bảo mua được than chất lượng cao của Việt Nam.
Trong khối lượng than xuất khẩu có điểm đến là Hàn Quốc với 1 triệu tấn/năm, theo Bộ Công thương, điều này sẽ giúp ngành than có điều kiện khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài có bảo hiểm tín dụng Hàn Quốc.
Theo Báo Đầu Tư