Là quê hương của sản phẩm trái cây nhiệt đới, phong phú, đa dạng về chủng loại, Việt Nam đang trên đà mở rộng xuất khẩu trái cây.
Đây cũng chính là nhóm sản phẩm luôn có sự tăng trưởng cao nhất trong khi không ít các mặt hàng nông sản khác vẫn quanh quẩn điệp khúc mất giá trong xuất khẩu.
Sau 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đã đạt 967 triệu USD, tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó cả 6 tháng đầu năm 2015 mới đạt hơn 880 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả sang các thị trường đều tăng khá, riêng vào thị trường khó tính đạt trên 3.400 tấn quả tươi các loại như thanh long đạt hơn 2.500 tấn xuất sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; xoài xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc đạt hơn 230 tấn; chôm chôm xuất khẩu đi Mỹ đạt hơn 160 tấn, nhãn xuất sang Mỹ gần 500 tấn…
Với 4 loại trái cây gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau 5 tháng đã tăng 200% (2.000 tấn) so với cả năm 2015.
Dự kiến, trong tháng 6 này sẽ đàm phán song phương để mở cửa thêm hai trái cây là xoài và vú sữa.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, năm nay, xuất khẩu sản phẩm rau quả sẽ tích cực nhất trong các mặt hàng nông sản.
Ngoài Mỹ, các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Australia, NewZealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chile... còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Trái cây Việt Nam hiện đã chinh phục thị trường khó tính và mỗi thị trường lại có cung cách làm việc riêng của họ.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Newzealand, Chile, Argentina, Braxin có quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đặc biệt là đối với các loại quả tươi.
Để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho các loại quả tươi, Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.
Để hồ sơ một loại trái cây được một quốc gia chấp nhận có khi phải mất tới 10 năm, còn trung bình cũng mất từ 3-4 năm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, Cục đã xác định rõ công tác kiểm dịch phải luôn cập nhật, thích ứng và giải quyết rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường khác nhau.
Cục luôn yêu cầu cán bộ làm việc có trách nhiệm hơn, sát người dân và doanh nghiệp hơn.
Từ đó vấn đề kiểm soát sâu bệnh, sản xuất theo quy hoạch, theo các quy trình chuẩn... cũng được nâng lên và như vậy chất lượng rau quả của Việt Nam mới có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, chủ trương chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là với khoảng gần 10 loại quả Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh, cơ quan chức năng nhà nước phải làm mở đường cho doanh nghiệp.
“Có thể ngay lập tức chưa xuất khẩu được nhưng vẫn phải đi trước đón đầu. Khi nào doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu thì tạo điều kiện để họ thực hiện”, ông Hoàng Trung nói.
Chẳng hạn, Newzeland không phải là thị trường kỳ vọng sẽ xuất khẩu được nhiều vì quốc gia này cũng có thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Nhưng đây được coi là thị trường “bắc cầu”, bởi đây là nước có hệ thống kiểm dịch thực vật gần như cao nhất thế giới. Vào được đây, trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng hơn khi "tiến quân" sang các thị trường khác.
Phong phú, đa dạng về chủng loại trái cây nhiệt đới, nhưng sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún. Điều này khiến việc đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật rất khó khăn.
Ví dụ để cấp được 1 mã số vùng trồng cho vải sang Mỹ và Australia phải gom 24-28 hộ và cũng chỉ khoảng 10 ha.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái cây tươi không nhiều. Năng lực của doanh nghiệp cũng yếu, 90% doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nông nghiệp nhưng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản, trái cây tươi càng yếu hơn.
Dẫn dắt doanh nghiệp đến với cơ hội này, ông Hoàng Trung cho biết, nhiều năm qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phải thay đổi hẳn cách tiếp cận.
Trước kia doanh nghiệp cần cơ quan quản lý nhà nước nhưng giờ thay đổi thành cơ quan nhà nước mời gọi doanh nghiệp. Cục đã quán triệt tinh thần phục vụ doanh nghiệp đến từng cán bộ.
Việc cấp chứng nhận không có chuyện doanh nghiệp đón rước cán bộ mà cán bộ kiểm dịch phải lao vào việc cùng doanh nghiệp.
Ngay cả các địa phương cũng ý thức được điều này, bản thân lãnh đạo tỉnh cũng tận tình tiếp đón, hướng dẫn cụ thể từng doanh nghiệp.
Để tiếp nối sự thành công trong sản xuất, xúc tiến thương mại vải thiều, đặc biệt là sang các thị trường mới mở năm ngoái là Mỹ và Australia, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh chỉ đạo kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều từ rất sớm và tập trung sản xuất vải thiều chất lượng, mẫu mã đẹp để đáp ứng xuất khẩu.
Đặc biệt, đổi mới cách làm xúc tiến tiêu thụ vải, theo hướng cởi mở, chủ động tiếp cận các thương nhân nước ngoài, thương nhân có điều kiện tìm hiểu khảo sát thị trường và ký hợp đồng thụ vải thiều.
Là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu vải thiều vào Mỹ, ông Phạm Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao cho biết, muốn thâm nhập thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Chẳng hạn người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng vải có vị ngọt, độ đường cao và màu sắc đỏ tươi.
Quả vải Lục Ngạn (Bắc Giang) phù hợp với sở thích của họ, nhưng quan trọng vẫn phải bảo đảm các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác.
Ông Hoàng Trung cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục duy trì giữ được thị phần ở những thị trường khó tính, không vi phạm kiểm dịch thực phẩm. Đồng thời tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm trái cây vào thị trường.
“Sợ nhất là phải mở cửa lại thị trường như thanh long sang Đài Loan (Trung Quốc), sau khi thị trường này phát hiện thanh long nhiễm ruồi đục quả đã ngừng nhập khẩu (đầu năm 2009). Phải mãi đến tháng 6/2016, thị trường này mới cho phép mở cửa trở lại”, ông Hoàng Trung nói./.
Theo BNEWS/TTXVN