Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Phóng viên NDH đã có cuộc trao đổi bên lề hội nghị Việt Nam- Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thưa ông, VCCI có nói doanh nghiệp Việt còn chưa sẵn sàng với TPP và EVFTA, đối với doanh nghiệp thép thì sao? Thị trường nào là thế mạnh cho doanh nghiệp thép trong xuất khẩu?
Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng nhưng sẵn sàng chưa đủ. Doanh nghiệp thép cũng ở tình trạng chung như thế. Để chuẩn bị cho hội nhập, các doanh nghiệp thép phải đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng.
Về thế mạnh thị trường, tôi chưa nói trước được điều gì nhưng theo phân tích của cá nhân tôi thấy chúng ta sẽ có thế mạnh tại thị trường Mỹ, Canada. Hàng năm Mỹ nhập khẩu 40 triệu tấn thép trên toàn thế giới. Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Hiện nay Hoa Sen, Tôn Phương Nam đã có những lô hàng tôn mạ đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ.
Có thông tin có thể cuối tháng 6 này Bộ Công Thương sẽ ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài, liệu thị trường sẽ bị tác động thế nào thưa ông? Tình trạng đầu cơ có tiếp tục xuất hiện?
Bộ Công Thương có thể sẽ ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài. Điều này có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đặc biệt là thép Trung Quốc. Đây cũng là công cụ cuối cùng WTO cho phép các nước sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiện nay đối thủ mạnh nhất đối với các doanh nghiệp thép trong nước chính là thép Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ tác động đến thị trường Việt Nam mà còn làm chao đảo cả thị trường thép thế giới.
Hy vọng khi có quyết định áp thuế tự vệ chính thức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ thở hơn.
Về tình trạng đầu cơ, tôi nghĩ là không có nữa. Đầu cơ biểu hiện rõ nhất vào tháng 3 khi có quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương tiêu thụ thép xây dựng vọt lên 1.011 tấn, tháng tư tiêu thụ thép xây dựng đạt 737 nghìn tấn giảm 27% và đang đi vào đúng nhu cầu thực. Số liệu tiêu thụ thép xây dựng tháng 5 đạt 593 nghìn tấn, giảm 41% so với tháng 3.
Giá thép hạ nhiệt
Hồi tháng 3, trước thông tin Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, giá thép đã bị đẩy lên rất cao? Vậy hiện tại giá thép đã trở về mức trước khi có quyết định áp thuế tự vệ chưa, thưa ông?
Giá đã trở về mức trước áp thuế. Giá tăng lên có nhiều nguyên nhân không chỉ do áp thuế tự vệ, nguyên nhân quan trọng nhất là do giá nguyên liệu thế giới tăng lên. Các nguyên liệu và sản phẩm thép trên thế giới giảm mạnh từ năm 2014, 2015. Giảm sâu đến mức theo thống kê của Hiệp hội Thép Trung Quốc riêng năm 2015 ngành thép nước này lỗ 11 tỷ USD.
Sau khi giảm mạnh thị trường có sự điều chỉnh đưa giá thép về đúng với giá trị thực. Biểu hiện là từ tháng 1/2016 giá nguyên liệu thép của thế giới bắt đầu tăng. Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thép của thế giới nên khi thế giới tăng thì giá thép tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai là do có tính chất đầu cơ. Trước thông tin có áp thuế tự vệ, có hiện tượng các đại lý đầu cơ, mua gom hàng kiếm lời khiến lượng tiêu thụ thép tháng 3 tăng vọt lên, sau đó quay đầu giảm dần trong tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5, đầu tháng 6 giá thép ở cả thị trường miền Bắc và miền Nam đồng loạt giảm 200 nghìn đồng/tấn. Thị trường thép hạ nhiệt.
Cảm ơn ông!
Theo Người Đồng Hành