Các ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực Logistics sẽ giúp quá trình quản lý hàng hóa, chuyển vận sẽ diễn ra nhanh, chính xác và hạn chế được rủi ro giúp con người giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa.
Nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng được các giảng viên, chuyên gia về Logistics truyền tải đến các bạn sinh viên tại Hội thảo “Logistics, học gì? làm gì?” diễn ra tại ĐH giao thông vận tải TP.HCM sáng 31/07.
Nhiều ứng dụng công nghệ vào Logistics
Theo Th.s Mai Văn Thành, giảng viên ĐH giao thông vận tải TP.HCM, Logistics là một quá trình khép kín từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát từ nơi cung ứng hàng hóa đến người tiêu thụ cuối cùng là người tiêu dùng. Logistics gồm nhiều dịch vụ như vận tải, kho bãi, xếp dỡ…với nhiều tiềm năng để phát triển.
Logistics là một hình thức quản trị đối tượng là dòng hàng hóa di chuyển và thông tin kèm theo. Việc quản trị này thực hiện nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, thời gian chuyển vận nhanh và chất lượng hàng hóa được đảm bảo. Đây được xem là một dịch vụ thương mại.
Cũng theo Th.s Thành, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ trong Logistics với nhiều chương trình, công cụ kỹ thuật sẽ giúp gia tăng chất lượng phục vụ của dịch vụ thương mại. Cụ thể, công nghệ GPS có thể giúp người quản lý xác định vị trí của hàng hóa vận chuyển. Công nghệ quản lý kho hàng RFID (Radio Frequency Identification) giúp nhận dạng hàng hóa bằng sóng vô tuyến theo thời gian thực. Ứng dụng công nghệ RFID vào quản lý kho là việc gắn thẻ RFID lên sản phẩm, thùng hàng, tấm kê hàng...
Sau đó gán các ID (Identification number) của thẻ RFID vào phần mềm để đồng bộ hóa nó với một lượng dữ liệu nhất định mà bạn cho là liên quan tới sản phẩm đó. Thông qua một thiết bị đọc thẻ RFID cố định hoặc di động người quản lý có thể dễ dàng thu thập các ID của thẻ RFID. Từ đó phần mềm sẽ phân tích ID này để truy vấn ngược về dữ liệu hàng hóa.
“Việc ứng dụng công nghệ vào Logistics sẽ giúp con người dễ dàng quản lý hàng hóa hơn, hạn chế được tình trạng nhầm lẫn hàng hóa, kiểm tra hàng dễ dàng hơn. Điều này giúp chúng ta giảm được chi phí, thời gian và tăng khả năng quản lý hàng hóa”- thầy Thành nói.
Người Việt Nam rất có tố chất làm Logistics
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, Logictics được xem là bệ phóng cho hoạt động thương mại của mỗi quốc gia. Nếu xây dựng và phát triển ngành Logisticst sẽ mang lại giá trị không chỉ hoạt động thương mại trong nước mà cả trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Việc xây dựng hệ thống kênh Vĩnh Tế, thiết lập tuyến giao thông đường thủy và tuyến đường Trường Sơn với hệ thống tiếp tế cho chiến trường miền Nam thể hiện rằng, người Việt rất có tiềm năng trong lĩnh vực Logistics. Đây là những minh chứng lớn nhất, trở thành biểu tượng thành công của quản trị chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Logistics trong thời hiện đại, con người phải xử lý khối lượng thông tin rất lớn, liên quan đến nhiều đối tượng nên mỗi cá nhân khi nghiên cứu Logistics phải chịu một áp lực không hề nhỏ.
Logistics dành rất nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên. Ảnh: Hà Thế An.
Theo ông Minh, mỗi cá nhân phải nghiên cứu, thiết kế cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, các loại hình vận chuyển…) cho phù hợp và mang lại hiệu quả nhất cho mục tiêu mình cần. Ngoài cơ sở hạ tầng, cần phải nghiên cứu, tính toán đến vào cơ chế chính sách, quy định của đất nước để xây dựng kế hoạch quản trị Logistics phù hợp.
“Một đất nước có ngành Logistics phát triển thì chắc chắn hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu sẽ phát triển mạnh. Vì thế, Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực này để phát triển kinh tế. Tôi cho rằng, điều đầu tiên là chúng ta phải bắt đầu từ việc đào tạo trong các trường ĐH”- ông Minh nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay có một số trường ĐH đào tạo chuyên ngành Logistics gồm: ĐH Hàng hải, ĐH giao thông vận tải TP.HCM, ĐH quốc tế TP.HCM…
Theo khampha.vn