"Tôi tự tin có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tốt nhất châu Á. Tôi không muốn nói mình là số một. Vì bạn có thể là số một, nhưng chưa chắc là tốt nhất”.
CEO MP Logistics bà Đặng Minh Phương chia sẻ. Điều hành một công ty lớn, cung cấp hàng đầu về dịch vụ Logistics (giao nhận, kho vận) tại Việt Nam và định hướng vươn tầm ra khu vực, bà Minh Phương được CNBC gọi là “nữ hoàng” logistics. Tuyên bố trên được bà phát biểu trong một cuộc trao đổi với CNBC.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1.200 công ty logistics trong đó ước tính 30 doanh nghiệp nước ngoài. Số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến lược phát triển công ty, đồng thời là chất xúc tác khiến cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam và công ty có thể phát triển theo nền kinh tế cả nước. Nhờ các FTA này, giới phân tích dự đoán công ty có thể tăng trưởng 40% năm tới.
Trong môi trường nội địa, bà Phương định hướng lợi thế của công ty là “hiểu rõ văn hóa, phong tục, thói quen của người Việt để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng ”.
Với vai trò CEO, bà Phương luôn giữ lửa tinh thần cạnh tranh trong những đấu trường lớn và đó là lý do công ty có được thành công ngày hôm nay.
Bà cũng thoải mái chia sẻ quan điểm về việc cân bằng giữa vai trò trong gia đình với vai trò ngoài xã hội. "Mọi người luôn nghĩ là phụ nữ thì nên làm mẹ, làm vợ. Khi chúng tôi bước ra ngoài làm kinh doanh , chúng tôi khó có thể chu toàn tất cả vai trò đó. Tôi cho rằng nếu cứ tiếp tục làm nội trợ, tôi sẽ không thể thành công như ngày nay".
Những lúc khó khăn ấy, các nhân viên và đồng nghiệp đã giúp bà giảm nhẹ gánh nặng điều hành công ty. Theo phản hồi từ nhân viên, bà Phương luôn sẵn sàng lắng nghe và thảo luận vấn đề cùng đồng nghiệp. Việc này giúp họ cảm thấy vui vẻ khi làm việc tại MP Logistics.
Trong tương lai, bà cũng dự định niêm yết công ty trong vòng 5 năm tới, đồng thời mở rộng hoạt động sang thị trường khác trong khu vực, đặc biệt là thị trường châu Á có tốc độ tăng trưởng ổn định và văn hóa nhiều nét tương đồng như Philippines, Myanmar, Thái Lan.
Theo báo An Ninh Tiền Tệ.