Sản phẩm Việt Nam cần đầu tư chất lượng tốt và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng mây, tre, cói xuất khẩu mặt hàng này bảy tháng 2016 lên 147 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng mây, tre, cói của Việt Nam thì Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm 24% tổng kim ngạch, đạt gần 35 triệu USD nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường lớn thứ hai là Nhật Bản, kế đến là thị trường Đức cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp (DN) và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Với đặc thù có nhiều làng nghề trải dài khắp cả nước, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này đang đứng trước nhiều thách thức từ hội nhập.
Khuyến nghị giải pháp cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, các chuyên gia cho rằng để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, DN địa phương cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Theo Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh