Sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu lớn nhất cả nước, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đang có nhiều nỗ lực nhằm khai thác tối đa thế mạnh cảng biển coi đây là lực đẩy chính để phát triển kinh tế địa phương.
Là cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp với trung chuyển container quốc tế, hệ thống cảng nước sâu của tỉnh BR-VT có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 tấn. Theo quy hoạch tỉnh có 57 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 28 bến cảng với công suất 98 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến là 11,6 km. Riêng tại khu vực Cái Mép- Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 17 bến trong đó có 7 bến cảng container đang hoạt động với tổng công suất 6,8 triệu teur năm và tổng chiều dài cầu bến container dài 4 km.
Theo thống kê của Bộ GTVT, trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các cảng, cụm cảng khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu nhìn trên tổng thể phát huy công suất thiết kế thì cụm cảng cái Mép- Thị Vải vẫn đang ở trong tình trạng thiếu hàng, thừa công suất.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, hiện nay các cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép- Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế, tiếp nhận được tàu container loại lớn có trọng tải đến 160.000 tấn. Hàng tuần có 20 chuyến tàu mẹ vào làm hàng tại cảng Cái Mép – Thị Vải trong đó có 4 chuyến đến bờ Đông và 3 chuyến đến bờ Tây của Hoa Kỳ, 4 chuyến đến châu Âu và 9 chuyến đến châu Á. Theo thống kê của Bộ GTVT, trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các cảng, cụm cảng khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nếu nhìn trên tổng thể phát huy công suất thiết kế thì cụm cảng cái Mép- Thị Vải vẫn đang ở trong tình trạng thiếu hàng, thừa công suất. Theo thống kê của Sở Giao thông – Vận Tải tỉnh BR-VT, công suất trung bình các cảng chỉ đạt từ 18- 20% công suất thiết kế. Cụ thể, cảng ODA Tân Cảng Cái Mép (TCOT) chỉ đạt 14,5%; CMIT đạt 31,7%; 2 cảng TCIT và container TCCM đạt khoảng 58%. 3 cảng còn lại không khai thác hàng container mà chuyển sang làm hàng rời.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động cụm cảng Cái Mép– Thị Vải, từ năm 2013 đến nay Bộ Giao thông – Vận tải và tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp như bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ, bãi bỏ việc bắt buộc có ca nô dẹp luồng, triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS... Các giải pháp chiến lược cũng được đưa ra như xây dựng hệ thống các trung tâm logistics, kết nối khu cảng với mạng lưới giao thông quốc gia bằng cả đường bộ, đường thủy, đường sắt để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đa phương thức... Các giải pháp trên đã phần nào phát huy tác dụng khi nguồn hàng lấy lại đà tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2015.
Nhằm tiếp tục nâng cao công suất khai thác hệ thống cảng, ngoài các giải pháp trước mắt theo ông Nguyễn Thành Long, BR-VT cũng đã triển khai nhiều giải pháp dài hơi nhằm tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển. Trong đó về phát triển dịch vụ hậu cần cảng, tỉnh đã lập đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics với quy mô trên 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và đầu tư trung tâm logistics với quy mô khoảng trên 800 ha tại khu vực Cái Mép Hạ. Trong chính sách thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên các loại hình kinh tế, dịch vụ lấy phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng làm nhiệm vụ trọng tâm trong đó ưu tiên logistics. Trong đó, một trong 7 dự án, lĩnh vực đang được ưu tiên hiện nay trong lĩnh vực logistics là dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích 800 ha và dự án trung tâm logistics tại khu công nghiệp Cái Mép với diện tích khoảng 100 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỉ đồng.
Cùng với sự nỗ lực của địa phương, các đơn vị trực tiếp làm dịch vụ công và quản lý nhà nước tại cảng cũng có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng. Trong đó phải kể đến nỗ lực của lực lượng Hải quan làm thủ tục tại đây. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Cảng Cái Mép, nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN làm thủ tục tại cảng, Chi cục luôn quán triệt cán bộ, công chức trong đơn vị luôn phải hỗ trợ DN hết mình trong quá trình DN làm thủ tục hải quan. Ngoài việc bố trí cán bộ, công chức trực giám sát 24/7, thời gian làm việc của cán bộ, công chức tại Chi cục cũng chỉ kết thúc khi đã giải quyết xong thủ tục cho DN. Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN làm thủ tục, Chi cục còn thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với DN nhằm cập nhật cho DN các chủ trương, chính sách mới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Từ đầu năm đến nay Chi cục đã tổ chức hai hội nghị đối thoại với DN hàng xá và phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức hội nghị đối thoại với các DN XNK và các hãng tàu. Tại các hội nghị này, Chi cục đã ghi nhận và tháo gỡ kịp thời nhiều vướng mắc của các DN liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các quy định về địa điểm bảo thuế, thủ tục khai báo hàng trung chuyển...
“Cùng với hoạt động đối thoại DN, Chi cục còn thường xuyên tổ chức tiếp xúc với các DN có hoạt động XNK tại địa bàn nhưng lại có trụ sở tại các địa phương khác để tiếp thị mời gọi các DN về làm thủ tục tại đơn vị. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã làm việc với 40 DN tại TP.HCM và phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức 2 lần làm việc với các DN ở Đồng Nai. Đặc biệt, theo đề nghị của DN khai thác cảng, ngày 1-8 vừa qua, Chi cục Hải quan Cảng Cái Mép đã thành lập đội văn phòng, đội giám sát tại cảng TCIT để thực hiện các thủ tục đăng kí tờ khai vận chuyển quá cảnh và các thủ tục hải quan khác cho DN tại khu vực cảng này. Nhờ làm tốt công tác thu hút và hỗ trợ DN từ giữa tháng 3 trở lại đây, số lượng DN đăng kí làm thủ tục hải quan tại cảng Cái Mép đã tăng lên khoảng 20% so với năm 2015”, ông Danh cho biết.
Theo báo Hải Quan.