Theo Bộ Công Thương, hiện Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với Việt Nam.
Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như: hàng nông lâm sản gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới; hàng thủy sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh…
Thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 66,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 17,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới con số 49,5 tỷ USD, cán cân thương mại bị lệch khá lớn.
Đấu pháp nào “sân khách”?
Theo ông Đào Việt Anh, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc Tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương tại Trùng Khánh, đặc trưng quan hệ thương mại Việt - Trung là có vị trí địa lý thuận lợi với đường biên giới trên bộ dài 1406 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây nên vận tải hàng hóa tiện lợi, tiết giảm được nhiều chi phí.
Ngoài ra, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu kinh tế rất rõ như: Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông thủy sản nhiệt đới của Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm máy móc công nghiệp phù hợp với nhu cầu và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo vị này, đặc trưng của thị trường Trung Quốc là văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm nông thủy sản rất đa dạng. 32 tỉnh,thành của nước bạn đều có nhu cầu khác nhau đói với từng loại sản phẩm cụ thể nên muốn thâm nhập sâu thị trường này thì cần phải có những định hướng chiến lược cho từng ngành hàng đối với từng vùng miền của nước bạn.
Để khai thác thị trường Trung Quốc hiệu quả, ông Đào Việt Anh lưu ý các DN cần thông qua hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc cũng như cơ quan thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc.
Ngoài ra, cần xác minh thực lực và uy tín của các DN Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao.
“Nên có sự tìm hiểu về các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà DN có kế hoạch hợp tác, giao dịch với đối tác Trung Quốc nhất là những sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thủy sản vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề kiểm dịch”, ông Anh khuyến cáo.
Theo plo.vn