Theo đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, quyết định thu phí cửa khẩu cảng biển của Hải Phòng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một Container hàng từ Hà Nội qua cảng biển Hải Phòng sang Nhật đã phải chịu nhiều chi phí khiến giá thành là 990 USD so với 170 USD từ Quảng Châu và 550 USD từ Manila.
Đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết 19, đại diện của Liên hiệp hội doanh nghiệp cho biết “Tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh” vẫn phổ biến. Khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết 19 năm 2017 mà Chính phủ mới ban hành dường như còn khá xa”.
Mức phí quá cao
Tại “Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19.2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu các bất cập trong việc thực thi Nghị quyết 19. Đáng chú ý là bản kiến nghị của liên hiệp hội doanh nghiệp về mức phí cửa khẩu của Hải Phòng. Mới đây, Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148 về việc thu phí cửa khẩu cảng biển và yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình phục vụ cảng biển trong hồ sơ thông quan đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng doanh nghiệp.
Theo ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, trong thực thi Nghị quyết 19 còn nhiều bất cập ở từng ngành. Một số Bộ, ngành, địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn và tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Nghị quyết 19 chưa thật sự được quán triệt như là phương châm của các cấp, ngành, địa phương trong quản lý hướng tới phát triển. Thay vì tầm nhìn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp là lợi ích cụ bộ để biện hộ cho chính sách đi ngược tiến trình chung. Một ví dụ được số đông doanh nghiệp quan tâm phản biện là Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Trong bản kiến nghị của liên các hiệp hội doanh nghiệp trình Thủ tướng, Hải Phòng là cảng lớn nhất miền Bắc chiếm 35% tổng lưu lượng hàng hóa XNK của cả nước. Theo Thống kê của JETRO (Nhật Bản), một Container hàng từ Hà Nội qua cảng biển Hải Phòng sang Nhật đã phải chịu nhiều chi phí khiến giá thành là 990 USD so với 170 USD từ Quảng Châu và 550 USD từ Manila. Thời gian trung bình để thực hiện nộp phí là 2 tiếng, bổ sung giấy tờ thông quan và tăng chi phí lưu kho do không giải phóng được hàng trong ngày.
Thêm một bất cập nữa được các doanh nghiệp chỉ ra là khoảng cách từ Hải Phòng đến đường cao tốc (hay đường 5) chỉ khoảng 20km với mức phí 500.000 đồng/container 40 feet tương đương với phí cầu đường toàn bộ đường 5 về Hà Nội và bằng 50% mức phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong khi khoảng cách chỉ bằng 1/5.
“Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của hàng XNK từ Việt Nam cũng như môi trường đầu tư của Hải Phòng và Viêt Nam”, đại diện của các Hiệp hội cho biết.
Phí chồng phí
Theo các hiệp hội, có hiện tượng phí chồng phí, bởi kinh phí cho đầu tư nâng cấp giao thông được các chủ phương tiện nộp qua phí bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, theo đại diện của liên hiệp hội, đối tượng sử dụng cơ sở hạ tầng cảng và đường nội đô không chỉ có doanh nghiệp XNK mà còn cả các DN có hàng hóa trong nước và việc chỉ thu phí hạ tầng cửa khẩu đổi với DN XNK không đảm bảo nguyên tắc công bằng được nêu tại Điều 8 của Luật phí và lệ phí.
Bản kiến nghị của liên hiệp hội đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 của thành phố Hải Phòng, chỉ đạo các Bộ liên quan, UBND thành phố Hải Phòng tính đúng, đủ mức phí theo quy định pháp luật hiện hành”.
“Cách xử lý cho các bộ ban ngành chưa đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và chưa truyền tải được tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động vì phát triển kinh tế. Tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh” vẫn phổ biến. Khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tạo sức bật cho kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết 19 năm 2017 mà Chính phủ mới ban hành dường như còn khá xa”, đại diện của Nhóm công tác liên hiệp hội cho biết.
Ngày 10.3, phát biểu tại “Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19.2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết “Tinh thần của Chính phủ là phải rất kỷ cương. Chính phủ chỉ đạo thì các bộ, địa phương phải vào cuộc. Đối với những thông tư, quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ phải sửa ngay. Tôi đề nghị các doanh nghiệp và hiệp hội có lòng tin rằng, Chính phủ thực sự muốn nghe, không phải nghe để đấy”.
Theo báo Lao động Online.