Đó là cam kết của ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – tại lễ khai trương tuyến vận tải biển ACS có lịch trình Ấn Độ - Malaysia – Singapore - Cái Lân(Quảng Ninh) – Trung Quốc – Hàn Quốc vào ngày 6/6, với tần suất 1 tuần/1 chuyến.
Tuyến vận tải biển này được hình thành từ liên minh giữa hai hãng tàu lớn là Hyundai Merchant Marine và Gold Star Line. Vào sáng 6/6, tuyến vận tải biển này đã khai trương, với việc Công ty Cảng Container quốc tế Cái Lân (CICT) đón tàu Huyndai Premium sức chở trên 5.023 teus (tương đương trọng tải khoảng 52.000 tấn) vào cảng Cái Lân.
Đáng chú ý, phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ chưa thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm hàng xuất nhập khẩu qua cảng Cái Lân.
Phát biểu của ông Long đã nhận được vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt từ doanh nghiệp tham dự buổi lễ khai trương tuyến vận tải biển.
Hiện tại, cảng Cái Lân là cảng duy nhất tại miền Bắc có mớn nước công bố sâu – 13m, đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải tới 80.000 tấn vào làm hàng. Tuy nhiên, trong chiều 5/6, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, đại diện cảng Quảng Ninh - đơn vị hiện khai thác cảng Cái Lân nói chung, bên cạnh cảng container của CICT - đã đề nghị Bộ cho nạo vét duy tu luồng tàu và vùng quay tàu đạt chuẩn tắc thiết kế - 13m để có thể thí điểm đón tàu trọng tải tới 80.000 tấn vào làm hàng.
CICT là liên doanh giữa Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh (doanh nghiệp hiện do tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển sở hữu 100% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco – doanh nghiệp của ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch HĐQT ngân hàng An Bình) giữ 51% cổ phần, đối tác nước ngoài trong liên doanh là Công ty TNHH SSA Holdings International (Mỹ) nắm 49% cổ phần).
Cảng container do CITC khai thác từng là cảng container hiện đại nhất miền Bắc với độ sâu trước bến - 13m, cầu dài 594m, diện tích bãi chứa rộng 18ha, có 4 cẩu giàn STS Panamax hiện đại với năng lực xếp dỡ 45 container/giờ/cẩu, công suất tối đa đạt 1.200.000 TEUS/năm.
Tuy nhiên, từ khi hoạt động (2012) đến nay, liên doanh CICT liên tục lỗ lớn do ít tàu vào làm hàng. Theo báo cáo của đại diện CICT tại buổi làm việc với Bộ GTVT chiều 5/6, năm 2016, liên doanh đã giảm lỗ được 7%. Trong 5 tháng đầu năm 2017, liên doanh đạt doanh thu tăng 14%, lượng hàng container tăng 100%... so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với việc khai trương tuyến ACS Cái Lân, CICT đề xuất Bộ GTVT tạo điều kiện cho liên doanh vận chuyển hàng bằng sà lan, phương tiện vận tải thủy nội địa từ Quảng Ninh về Hải Phòng.
Theo VietTimes.