Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, cùng với đó là sự lớn mạnh của các Tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia… nên việc quản trị chuỗi cung ứng được coi là một công cụ cạnh tranh hiệu quả hàng đầu của các doanh nghiệp; có tác động quan trọng đến việc chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin với khách hàng, gia tăng lợi nhuận và gia tăng kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã và đang quan tâm đến chuỗi và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu và từng bước gia nhập vào các chuỗi cung ứng này.
Xác định rõ được tầm quan trọng của Chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 và một số chương trình liên kết vùng miền, bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố.
Xác định rõ được tầm quan trọng của “Chuỗi cung ứng”, trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nhiều cơ chế cũng như thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạo lập, tham gia và phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt gần đây nhất, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội khóa 14 kỳ họp thứ 3 thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2017 đã quy định tại Điều 13, Doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được hưởng các hỗ trợ: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập; thông tin về kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương; kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trong công tác phát triển mở rộng thị trường; kinh nghiệm của các doanh nghiệp phân phối về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; và giới thiệu những thông tin cơ bản của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mở rộng thị trường.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, theo xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp trên thế giới có xu hướng tích cực tìm kiếm, tham gia vào các chuỗi cung ứng để có cơ hội gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững. Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng có thương hiệu, uy tín, được quản trị tốt, có sức tác động lớn trên thị trường sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường và có được sự tín nhiệm của khách hàng, tạo nên giá trị doanh nghiệp, mở rộng chiến lược kinh doanh và khả năng vươn xa.
Tại Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, mở cửa nền kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng nội địa cũng như toàn cầu đã được thành lập và ngày càng phát triển, cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các chuỗi cung ứng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như: Điện thoại các loại và linh kiện; Hàng dệt may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Giày dép các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; Gỗ và sản phẩm gỗ; Túi xách, ví, va li, mũ và ô dù; Cà phê; Dầu thô,…) và Dịch vụ bán lẻ nội địa hiện đại (tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…).
Chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trong công tác phát triển mở rộng thị trường, bà Lê Thị Mai Linh – Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group cho biết, một trong những niềm tự hào của Central Group Việt Nam chính là sự hợp tác với cùng Bộ Công Thương, liên tiếp trong 2 năm liền tổ chức thành công Tuần Hàng Việt Nam tại Thái Lan, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt. Theo đó, Tuần Hàng Việt Nam tại Thái Lan không những hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt trưng bày và quảng bá sản phẩm Việt đến người tiêu dùng Thái Lan mà còn mang đến cơ hội đối thoại trực tiếp với các Bộ phận Thu mua của Central Group Thái Lan, tìm hiểu thị trường và bối cảnh cạnh tranh, các tiêu chuẩn kênh bán lẻ nước ngoài, từ đó thích ứng chiến lược sản phẩm, bao bì cũng như chất lượng, xây dựng thương hiệu để khởi đầu cho bước hội nhập vào chuỗi phân phối ở nước ngoài. Ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn Central đã có tầm nhìn, đó là “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”. Đây cũng chính là cam kết và là hành động thiết thực mỗi ngày của mỗi một nhân viên và tất cả Tập đoàn Central.
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” được đánh giá là thiết thực, góp phần định hình rõ nét hơn hiện trạng và khả năng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh Việt Nam có trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã và đang gặp khó khăn về vốn, về công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết - đây là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương.