Trung Quốc là nước nhập khẩu và tiêu thụ đậu tương hàng đầu thế giới, hầu hết được sử dụng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Bắc Kinh đe dọa mức thuế 25% đối với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ - nước cung cấp lớn thứ 2 – trong việc trả đũa các biện pháp thương mại được đưa ra bởi Washington.
Mối đe dọa thuế quan đã giảm nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, và đẩy giá tăng từ các nhà cung cấp khác như Brazil, hỗ trợ giá khô đậu tương, một thành phần thức ăn chăn nuôi được sử dụng rộng rãi.
Các nhà chức trách khu vực phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm đã gặp nhau vào cuối tuần trước (kết thúc ngày 27/4), để thảo luận hành động thúc đẩy diện tích trồng đậu tương.
Chính quyền Hắc Long Giang đã kêu gọi mở rộng thêm 5 triệu mu (333.333 ha) trồng đậu tương trong năm nay. Cái gọi là “thông báo khẩn cấp” cũng kêu gọi bổ sung 200 triệu mu được đưa vào chương trình luân canh ngô liên tục với các loại cây trồng khác như đậu tương.
Chính quyền tỉnh Cát Lâm cũng đã đưa ra một số hành động để thực hiện chính sách mới trong một tài liệu được đưa ra ngày 28/4. Kế hoạch mới không có khả năng cung cấp ngay lập tức cho các khách mua thức ăn chăn nuôi. Việc bổ sung 5 triệu mu diện tích trồng đậu tương sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 600.000 tấn, Yang Linqin, nhà phân tích tại COFCO Futures cho biết.
Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 96 triệu tấn đậu tương năm 2017/18, so với sản lượng nội địa 14,6 triệu tấn. Tuy nhiên, nỗ lực tăng sản lượng đậu tương nội địa cho thấy lo ngại của Bắc Kinh về tác động của thuế quan.
“Chính sách trong nước nhằm giảm diện tích trồng ngô và tăng diện tích trồng đậu tương, nhưng việc đưa ra thông báo khẩn cấp này nhằm vào cuộc chiến thương mại”, Yang cho biết. Hành động “bắt buộc” của chính phủ sẽ hiệu quả hơn nhiều so với dựa vào ý định của những người nông dân.
Theo VITIC/Reuters