|
Phiên giao dịch châu Á ngày 10/2, đồng bạc xanh của Mỹ lên giá mạnh so với Yên Nhật, nhờ các nhà nhập khẩu Nhật Bản mua mạnh, sau khi lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tỏ ra thận trọng về tình hình việc làm.
Trước đó, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ hôm 9/2, Chủ tịch FED Ben Bernanke cảnh báo kinh tế Mỹ còn yếu ớt và còn mất vài năm nữa mới đưa được tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới thấp.
Hôm qua, đồng USD được giao dịch với giá 82,52 Yên/USD và 1,3698 USD/Euro, so với mức 82,35 Yên/USD và 1,3727 USD/Euro trong phiên trước đó ở New York.
Không chỉ so với Yên Nhật, hôm qua, tại châu Á, đồng USD còn lên giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á, như SGD (Singapore), Won (Hàn Quốc), Rupiah (Indonesia), TWD (Đài Loan) và Peso (Philippines).
Theo báo cáo tháng 2/2011 của tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's, các ngân hàng hàng đầu của Mỹ có thể bị thua lỗ đến 60 tỷ USD do mua lại những khoản thế chấp xấu.
6 ngân hàng gồm Bank of America, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citigroup, US Bancorp và PNC Financial Services Group sẽ phải đối mặt với khoản thua lỗ tổng cộng 60 tỷ USD từ việc mua lại thế chấp cho đến năm 2012, cao hơn mức 43 tỷ USD mà S&P đưa ra vào tháng 11/2010.
Tuy nhiên, theo Standard & Poor's, vốn hoạt động của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trên sẽ không bị đe dọa và xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng này cũng không vì thế mà bị đánh xuống.
Để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại, Brazil quyết định cắt giảm 30 tỷ USD trong chi tiêu ngân sách năm 2011.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, cho biết, kế hoạch cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bộ ngành, nhưng không ảnh hưởng đến các chương trình phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng.
Theo ông Mantega, đây là dịp để Brazil rút lại các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có việc miễn thuế, trợ cấp và tăng cường chi tiêu của chính phủ mà nước này áp dụng từ năm 2009 – 2010, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.
Dự báo kinh tế Brazil sẽ tăng trưởng chậm lại còn khoảng 4,5% trong năm nay, sau khi đạt hơn 7% trong năm 2010. Trong khi, lạm phát đang tăng, sau khi đã lên tới 5,9% trong năm qua, vượt chỉ tiêu của chính phủ nước này.
Nhóm 18 chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, gồm các cựu bộ trưởng tài chính, cựu thống đốc ngân hàng trung ương, cựu giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi cải tổ G20, trao thêm quyền lực cho thể chế này để đối phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu.
Những quyền lực mới gồm: tạo ra một hệ thống tiền tệ mới ít phụ thuộc hơn vào đồng USD và phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng tiền quốc tế mạnh khác và quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR);
Tăng cường các cơ chế xử lý khủng hoảng để phòng ngừa các nước tích trữ quá nhiều dự trữ ngoại tệ để gây biến động tiền tệ toàn cầu; xây dựng các quy chế chung giúp các nước đối phó hiệu quả với sự nổi lên bất ngờ của dòng vốn có thể gây sức ép lớn đối với đồng nội tệ của các nước này.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị chuyển Ủy ban tài chính tiền tệ quốc tế (IMFC) hiện trực thuộc Hội đồng quản trị IMF, thành Ủy ban các bộ trưởng tài chính có quyền quyết định cuối cùng về chính sách tài chính tiền tệ toàn cầu.
Cũng liên quan tới IMF, theo báo cáo của Văn phòng đánh giá độc lập (IEO) thuộc IMF, định chế tài chính này đã phớt lờ các cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính của các chuyên gia kinh tế, và đã cổ vũ cho các chính sách có nhiều lỗ hổng của Washington.
Báo cáo nhấn mạnh, IMF đã thất bại trong việc đánh giá các nguy cơ đổ vỡ của hệ thống tài chính Mỹ, một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trước khi xảy ra khủng hoảng, chuyên gia kinh tế trưởng Raghuram Rajan đã cảnh báo các sản phẩm tài chính phức hợp tương tự nhau có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, IMF đã phớt lờ cảnh báo này. Ngoài ra, định chế này còn tung hô các chính sách cũng như ngành tài chính của Mỹ.
Chính niềm tin về các thị trường tài chính vững mạnh và phát triển ổn định, trong khi các thể chế tài chính lớn có thể dễ dàng đối phó với thách thức, đã làm giảm đi tính cấp bách trong việc giải quyết các nguy cơ và những quan ngại về các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đã bày tỏ sự ủng hộ đối với bản báo cáo trên, và khẳng định hệ thống giám sát đang được cải thiện.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy, cho rằng thương mại quốc tế cần thay đổi tương xứng với nền kinh tế thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng.
Phát biểu tại Munich (Đức), ông Lamy đánh giá, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những thay đổi căn bản và các mô hình thương mại quốc tế cũng đang thay đổi.
Vì vậy, các cuộc đàm phán và các quy chế thương mại cần phải được điều chỉnh phù hợp, nhằm khai thác hiệu quả các vấn đề mới như quan hệ giữa thương mại và đầu tư, thương mại và cạnh tranh cũng như các chuẩn mực thương mại quốc tế mới để thúc đẩy nhanh hơn các cơ hội kinh doanh trên toàn cầu.
Theo ông Lamy, cần thay đổi ba nhân tố căn bản của thương mại quốc tế gồm: tầm quan trọng kinh tế của thương mại quốc tế và cách thức thay đổi các mô hình thương mại; vai trò của hợp tác quốc tế về chính sách nhằm bảo vệ và thúc đẩy các cơ hội thương mại; phản ánh đúng quan hệ giữa công nghiệp và hệ thống thương mại.
Theo VnEconomy
|