Mai vàng nở rực rỡ trong khuôn viên ở nhiều cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm hệ thống cảng biển ở TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Không khí tết tràn ngập với bánh mứt và tinh thần làm việc nghiêm túc của nhiều cán bộ, công nhân các cảng biển ở đây.
Sáng mùng 3 Tết Tân Mão, nheo mắt để tránh đám bụi bốc lên từ một cú múc hàng phế liệu sắt chuyển từ tàu sang xe tải, anh Trần Nguyên Hiệp, Phó Giám đốc khai thác cảng Thép Phú Mỹ - một cảng nước sâu ra đời từ sự hợp tác giữa Cảng Sài Gòn và Tổng Công ty Thép Việt Nam tại khu vực Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tàu Golden Elpis của Úc này vừa cập cảng Thép Phú Mỹ đúng ngày mùng 1 Tết, mang theo 44.000 tấn sắt vụn để cung cấp nguyên liệu cho Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Ngay khi tàu vừa cập bến, cán bộ, công nhân viên của cảng đã triển khai bốc dỡ hàng. Theo kế hoạch 44.000 tấn sắt vụn sẽ được bốc trong 11 ngày, nhưng thi đua mừng xuân, mừng Đảng, cán bộ công nhân viên ở đây đã quyết tâm rút ngắn thời gian bốc xếp xuống còn 9 ngày. Cho đến mùng 3 Tết, với khối lượng thép đã bốc dỡ được, anh Trần Nguyên Hiệp cho rằng, quyết tâm của cán bộ công nhân viên hoàn toàn có thể đạt được.
Kế bên cảng Thép Phú Mỹ là cảng container nước sâu SP-PSA. Trong sáng mùng 3 Tết Tân Mão, cả ca trực đang nóng lòng chờ sà lan của Công ty Tanamexco đưa container từ kho hàng của đơn vị ở TPHCM đến cảng SP-PSA.
Theo anh Lê Thành Trung, Trưởng ca trực, mùng 3 Tết không có tàu vào, chỉ có sà lan đến lấy hàng từ cảng rồi chuyên chở đến các kho hàng ở TPHCM hoặc Đồng Nai, Bình Dương. Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, cảng SP-PSA - một liên doanh giữa các nhà làm cảng biển Việt Nam và Singapore đã tiếp nhận được rất nhiều tàu chở hàng lớn đưa thẳng hàng qua Mỹ và châu Âu. Hiện trung bình mỗi tuần SP-PSA tiếp nhận 5 tàu loại này và hàng trăm sà lan trung chuyển hàng từ cảng đến các kho hàng và ngược lại. Đặc biệt, mỗi tuần ở đây còn có hàng chục sà lan chuyển hàng từ Campuchia đến SP-PSA, để từ đây xuất thẳng đi nhiều nước trên thế giới.
Ở TPHCM, ngay mùng 1 Tết, Cảng Sài Gòn đã đón 1 tàu du lịch với 600 - 700 hành khách và 1 tàu container cập cảng Khánh Hội. Ông Trần Tấn Loan, Phó Phòng Kinh doanh Khai thác cảng Sài Gòn, cho biết, từ mùng 1 Tết đến mùng 3 Tết, gần như ngày nào cảng Sài Gòn cũng có khách hàng đến và đi. Chiếc tàu du lịch nêu trên vừa rời bến Khánh Hội vào ngày mùng 2 và ngày mùng 4 Tết, bến Khánh Hội lại đón thêm một tàu khách từ Mỹ tới và đến mùng 5 Tết, theo kế hoạch lại đưa chiếc tàu này đi. “Về nguyên tắc, Cảng Sài Gòn cho cán bộ công nhân viên nghỉ tết ngày 30 và mùng 1 nhưng nếu khách hàng cho nhu cầu, đơn vị sẵn sàng phục vụ” ông Trần Tấn Loan nói.
Tân Cảng Cát Lái (TPHCM), cảng container lớn nhất Việt Nam, đã ra quân ngay tối 30 Tết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Tân Cảng Cát Lái tiếp nhận 7 tàu vào làm hàng với sản lượng hàng hóa thông qua 8.000 tấn/ngày. Còn Tân Cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1 tàu với sản lượng container thông qua khoảng 1.000 tấn/ngày.
Cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT) nằm ở khu vực Hiệp Phước huyện Nhà Bè TPHCM cũng đón tết với khá nhiều khách hàng quen thuộc. Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nay song trung bình mỗi tuần cảng SPCT vẫn đón được gần 10 tàu cập bến. Vấn đề hiện nay của SPCT là luồng Soài Rạp phải được nạo vét để tàu lớn có thể cập bến. Đây cũng là vấn đề của hệ thống cảng biển TPHCM ở Hiệp Phước - muốn phát triển được hệ thống cảng biển này TPHCM cần phải nạo vét luồng Soài Rạp đến độ sâu cần thiết.
Theo SGGP