Tại kết luận của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) về kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2020, bộ báo cáo Thủ tướng nhiều bất cập trong đầu tư cảng.
Theo đó, Bộ KH-ĐT cho rằng dự báo trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch chưa chính xác và điều chỉnh không kịp thời, dẫn đến quy hoạch chưa định hướng tốt cho đầu tư và gây đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, “khu vực tập trung nhiều cảng biển cả nước là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, lượng hàng hóa đa số các cảng đều ở mức rất khiêm tốn, vài triệu tấn/năm”.
Bộ KH-ĐT cho biết việc dự báo khả năng đầu tư và tiến độ đầu tư phát triển công nghiệp vào các khu kinh tế cũng như công nghiệp ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung chưa thật sự chính xác, trong khi vẫn rót vốn đầu tư phát triển các cảng biển khá gần nhau, có thể làm yếu sức mạnh đầu tư tổng thể của cả nước do không ưu tiên vốn đầu tư cho những trọng điểm cần ưu tiên.
Bộ cũng cho rằng “việc đầu tư tương đối đồng đều cho phát triển hạ tầng cảng biển ở một loạt tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung hiện nay cho thấy chưa thật sự hiệu quả, chưa xác định được đúng trọng tâm”.
Một trong những kết luận đáng lưu ý của Bộ KH-ĐT là “bố trí đầu tư phát triển cảng biển đã bộc lộ điểm yếu, chưa hợp lý”.
Đầu tư còn dàn trải vào quá nhiều cảng biển trên phạm vi cả nước, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thật sự quan tâm tập trung đầu tư đủ mạnh cho những đầu mối cảng biển quan trọng mang tính liên vùng và quốc gia, có lượng hàng hóa qua cảng tăng cao là cảng Hải Phòng và cảng TP.HCM.
Bộ KH-ĐT còn kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông và kỹ thuật) đồng bộ cho các thành phố cảng biển Hải Phòng và TP.HCM. Trước mắt, cần nhanh chóng đầu tư đồng bộ hạ tầng và kết nối giao thông cảng biển cho các cảng của hai thành phố này.
Theo Bộ KH-ĐT, trong các dự án đầu tư hạ tầng trước mắt cần chú trọng đến các dự án giao thông huyết mạch, có tác dụng hỗ trợ lớn cho cảng biển.
Cụ thể, ở Đông Nam bộ là tuyến đường sắt TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu; tại miền Bắc, phải sớm hoàn thành dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, ưu tiên đầu tư tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hạ Long - Móng Cái, cần nghiên cứu khả năng xúc tiến đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thì ưu tiên nâng cấp quốc lộ 27.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ KH-ĐT cho rằng hiện nay phần lớn hàng hóa đến và đi của các tỉnh miền Bắc, thậm chí một lượng hàng hóa của phía nam Trung Quốc có nhu cầu được vận chuyển thông qua cảng biển Hải Phòng. Trong khi đó, cảng TP.HCM đang là cửa ngõ chính của cả vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
“Vị thế của các cảng ở hai thành phố này là đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển VN, cũng như nền kinh tế đất nước và chắc chắn chưa thể thay đổi trong tương lai gần” - Bộ KH-ĐT nhận định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy lượng hàng hóa qua cảng ở hai cửa ngõ quan trọng này vượt xa dự báo, trong khi đầu tư phát triển hạ tầng thiếu đồng bộ, không đáp ứng kịp tốc độ gia tăng khối lượng hàng hóa qua cảng dẫn đến quá tải giao thông.
Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra đường bộ (cấp đường, khổ đường) kết nối cảng biển với hậu phương cảng không tốt hoặc không đồng bộ với năng lực cảng, dẫn đến ách tắc giao thông, một số đường xuống cấp, chậm triển khai. Chẳng hạn như ở TP.HCM có liên tỉnh lộ 25B, đường kết nối với Khu công nghiệp Hiệp Phước; quốc lộ 51 Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường từ Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai) đến các cảng; đoạn đường từ khu cảng Chùa Vẽ đi Đình Vũ (Hải Phòng)...
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, các tuyến đường kết nối với cảng biển đều nhỏ hẹp, xe chở container phải chạy chung với xe khác, trong khi hệ thống đường sắt hiện có không hỗ trợ được nhiều cho vận chuyển hàng hóa thông qua cảng, chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu.
Theo TTO