|
Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Những mặt hàng thiết yếu đã “rục rịch” tăng giá
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận việc tăng tỉ giá là cần thiết, giúp các doanh nghiệp minh bạch hơn trong sổ sách tài chính. Tuy nhiên, tỉ giá tăng đến 9,4% cũng đã đẩy giá USD trên thị trường tự do lên cao làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
Doanh nghiệp xăng dầu lo lắng
Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều cho biết họ sợ nhất là khi Nhà nước điều chỉnh tỉ giá USD và lần này có mức tăng quá cao vượt ngoài tính toán của họ. Lỗ nhiều nhất là Petrolimex do lượng hàng dự trữ lớn, chiếm hơn 50% thị phần. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết 2 lần điều chỉnh tỉ giá trước đây (trong năm 2010) đã làm cho doanh nghiệp lỗ 800 tỉ đồng. Lần điều chỉnh tỉ giá này làm đơn vị lỗ rất nặng, tức mỗi lít xăng dầu lỗ gần 1.000 đồng. Hiện Petrolimex đang nợ ngân hàng với lượng USD khá lớn để nhập khẩu xăng dầu.
Còn các đầu mối nhập khẩu xăng dầu khác cũng phải lỗ đến vài chục tỉ đồng. Theo tính toán từ Saigon Petro, mỗi tháng, đơn vị này tiêu thụ khoảng 80 triệu lít xăng, dầu. Nếu tính theo tỉ giá tăng trong đợt này thì trong tháng 1 vừa qua, họ bị lỗ khoảng 70 tỉ đồng. Trong tháng 2 này cũng có mức lỗ tương tự. Nguyên do là hàng nhập về sau 30 ngày mới thanh toán với ngân hàng, trong khi lượng xăng dầu đã tiêu thụ hết, nay phải tính theo tỉ giá mới song giá bán vẫn không thay đổi. Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng cho biết họ không chỉ lỗ do tỉ giá mà còn lỗ khoảng 300 đồng/lít xăng dầu do giá thế giới tăng cao, cho dù được giảm thuế nhập khẩu còn 0% cũng như sử dụng tối đa quỹ bình ổn. Một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng cho biết đến đầu tháng 2 này, quỹ bình ổn của họ cũng sắp cạn kiệt.
Tình trạng lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu kéo theo nhiều hệ lụy. Bình thường, mỗi lít xăng dầu, các đại lý được hưởng mức hoa hồng từ 500 đồng- 700 đồng, thậm chí có lúc lên đến cả ngàn đồng. Nay các đầu mối nhập khẩu bị lỗ buộc họ phải cắt giảm mức hoa hồng. Hiện một số doanh nghiệp chỉ chi hoa hồng khoảng 150 đồng/lít, trong đó có tính cả chi phí vận chuyển (trước đây phí vận chuyển được tính riêng). Thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối cho thấy với mức hoa hồng thấp như hiện nay, một số nơi bán lẻ xăng dầu không còn mặn mà, họ mở cửa trễ và đóng cửa sớm hơn so với bình thường. Thậm chí có nơi viện lý do có công việc nhà, trụ bơm bị hư để nghỉ bán.
Khó khăn chồng chất
Tỉ giá tăng cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tăng tỉ giá họ đã dự tính nhưng vẫn bị “sốc” vì mức tăng quá cao. Các công ty kinh doanh gas cho biết việc mua gas trong nước và nước ngoài đều phải tính bằng USD, cho nên khi tỉ giá tăng, phải điều chỉnh giá bán tăng ngay. Nếu tăng theo tỉ giá thì mỗi bình gas 12 kg phải tăng khoảng 30.000 đồng. Tuy nhiên, để cân đối nguồn hàng (đã nhập, đang nhập và sắp nhập) cũng như lượng hàng trên thị trường nên giá bán chỉ tăng hơn 5% (tức tăng 17.000 đồng/bình 12 kg).
Các doanh nghiệp sản xuất thép cho biết bình thường giá nguyên liệu tăng, giá bán trong nước cũng tăng theo, nay cộng thêm tỉ giá tăng đã góp phần tạo nên áp lực tăng giá bán sớm hơn. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM- SX Thép Việt, nhận định: Giá USD trên thị trường tự do trước đây chỉ khoảng 21.200 đồng/USD nhưng nay đã tăng hơn 21.500 đồng/USD. Do đó, công ty đã phải có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán vào ngày 18-2, với mức tăng khoảng 400.000 đồng/tấn. Cũng theo ông Thái, thông tin giá điện tăng từ đầu tháng 3 tới (theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đưa ra mức tăng là hơn 10%, còn Chính phủ đưa ra con số 6,8%) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực, buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh giá bán tăng theo.
Xuất khẩu cũng “đuối”
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết trong năm 2010 cũng như năm nay, một số nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp chế biến phải nhập khẩu nguyên liệu, nay tỉ giá tăng cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch sản xuất.
Còn theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm ngoái, các doanh nghiệp chế biến điều nhập khoảng 400.000 tấn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Thông thường hợp đồng xuất khẩu đều được ký từ đầu năm, nay buộc phải điều chỉnh lại hợp đồng, giá cả... Việc tỉ giá tăng cao cũng buộc doanh nghiệp phải tính toán lại lượng hàng nhập khẩu. |
Theo NLĐ
|