Ngày 14-2, Ngân hàng (NH) Nhà nước giữ nguyên tỉ giá giao dịch bình quân liên NH ở mức 20.713 đồng/USD, các NH vẫn niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần 20.920 đồng/USD nhưng nâng giá mua USD chuyển khoản lên thêm 10 đồng/USD, lên 20.910 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt phổ biến ở mức 20.900 đồng/USD. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp (DN) không mua được USD theo giá này mà phải trả phí.
Ông V. - giám đốc một công ty thương mại tại Q.7, TP.HCM - cho biết khi nộp VND để trả nợ khoản vay 70.000 USD, một NH quốc doanh đã áp dụng tỉ giá 21.300 đồng/USD, khoản chênh lệch “núp” dưới hình thức phí tư vấn dù trước đó khi hỏi thông tin tỉ giá, nhân viên NH thông báo theo đúng giá niêm yết. Nhân viên NH giải thích do phải mua USD của DN xuất khẩu với giá cao, vì vậy phải thu phí để bù đắp phần chênh lệch. Nhiều DN cũng cho biết NH vẫn thu phí bán USD ở mức tương ứng.
Sau thông tin NH Nhà nước sẽ “truy tìm” NH bán USD vượt trần, ngày 14-2 nhiều NH thay vì thông báo thu phí 200-300 đồng/USD đã thông báo đúng giá niêm yết nhưng không có nguồn để bán, DN muốn mua phải đăng ký và chờ. Trường hợp khoản vay của DN đến hạn thanh toán, DN phải lo liệu nguồn USD hoặc NH sẽ tìm hộ nguồn với giá thỏa thuận.
Trong khi đó giá USD tiền mặt tại thị trường tự do ngày 14-2 tăng thêm 50 đồng, lên mức 21.750 đồng/USD, đẩy giá vàng tăng vượt mức 36 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng SJC niêm yết 36,13 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng thế giới ở mức 1.360 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá USD tự do ở mức 35,66 triệu đồng/lượng. Còn nếu quy đổi theo tỉ giá chính thức, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới đến 1,83 triệu đồng/lượng.
Hiện chênh lệch giữa giá USD niêm yết tại NH và thị trường tự do lên đến 830 đồng/USD.
Theo TTO