Quỹ Tiền tệ thế giới IFM vừa bày tỏ quan ngại về tình hình lạm phát tại nhiều nước châu Á. Theo đó, nếu không có biện pháp kịp thời, lạm phát sẽ tạo áp lực diện rộng, ảnh hưởng tới giá cả nhiều mặt hàng.
Giá cả tiếp tục leo thang
Theo thông báo mới nhất của Cục thống kê Trung Quốc ngày 15-2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 1-2011 tăng 4,9%, thấp hơn dự báo (5%), nhưng vẫn cao hơn 0,3% so với tháng 12-2010 (4,6%) và chỉ kém 0,2% so với mức kỷ lục (5,1%) vào tháng 11-2010. Theo Tân Hoa xã, dự báo trong những tháng tới, CPI của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng thêm do tình hình thời tiết mùa đông khắc nghiệt, lương công nhân và các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng. Giá lương thực, chiếm 1/3 trong rổ tính CPI của Trung Quốc, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá ngũ cốc tăng 15,1%, trứng 20,2%, rau quả 2% và trái cây tăng 34,8%. Mục tiêu kiềm chế lạm phát của Trung Quốc trong năm nay là 4%. Theo các nhà kinh tế, dự báo CPI trong tháng 2 sẽ giảm nhưng sẽ tăng lại vào tháng 3.
Tại Indonesia, CPI trong tháng 1 tăng 7,02% (theo VOA). Giá ớt có lúc tăng 10 lần trong những tháng qua, theo Foxnews. Ớt là thành phần chính trong nhiều món ăn của người dân nước này. Indonesia cũng phải tăng cường nhập khẩu gạo do thời tiết thất thường gây thiệt hại mùa màng ở nước này.
Tương tự, tại Ấn Độ, giá thực phẩm tăng 15,56% trong tháng 1 so với 13,55% trong tháng 12-2010 (theo Economic Times), giá xăng dầu tăng 11,41% trong tháng 1 so với 11,19% trong tháng trước đó. Tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ trong tháng 1 là 8,23%, giảm chút ít so với 8,43% trong tháng 12. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ sẽ giảm còn 7% trong tháng 3.
Tại Hàn Quốc, theo Yonhap, các nhà kinh tế tỏ ra quan ngại khi CPI nước này tăng 4,1% trong tháng 1 so với mức tăng 3,5% trong tháng 12. Chính phủ Hàn Quốc đề ra mục tiêu giữ lạm phát ở mức 3% trong năm 2011 trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức 5%.
Theo ông Nagesh Kumar, Giám đốc Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Á là nơi có 980 triệu người thu nhập dưới 1,25 USD/ngày với phần lớn tiền để mua thực phẩm. Do đó, giá cả tăng, dinh dưỡng sẽ thấp hơn, số người tái nghèo sẽ tăng.
Đe dọa sự hồi phục kinh tế thế giới
IMF lo ngại tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hồi phục của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt và nguồn cung thực phẩm hạn chế, giá dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao cũng đã khiến nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á siết chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Indonesia đã nâng lãi suất thêm 0,25%, lên 6,75% cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng và hoãn tăng giá xăng dầu. Trung Quốc ba lần nâng lãi suất cho vay và tiền gửi (từ tháng 10-2010), nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, siết chặt quy định bất động sản tránh tình trạng bong bóng, đồng thời để đồng Nhân dân tệ mất giá thêm 3,7%.
Theo ông Anoop Singh, Giám đốc IMF khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có nhiều dấu hiệu gia tăng lạm phát do sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Do đó, cần có những cải tổ rộng hơn để giảm bớt áp lực giá cả.
“Chúng tôi lo ngại tình trạng lạm phát làm ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản của người dân”, ông Singh nói. Theo ông, thay đổi tỷ giá là vấn đề cốt lõi nhưng chỉ dùng chính sách tiền tệ không thì chưa đủ để kìm hãm lạm phát.“Vẫn còn nhiều cách để châu Á có tỷ giá linh hoạt hơn. Chúng tôi thực sự chứng kiến nhiều đồng tiền châu Á trở nên uyển chuyển hơn.
Ông Singh cũng cho rằng nhiều chính phủ tại châu Á vẫn đang do dự trong việc thả nổi tỷ giá cũng như định giá lại đồng tiền nhằm bảo vệ hàng xuất khẩu của họ. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách không thể có chính sách tiền tệ hiệu quả trong khi kiểm soát tỷ giá.
Theo SGGP