Mặc dù đứng đầu cả nước về lượng hàng hóa thông qua song hệ thống cảng biển ở TPHCM vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất cập.
Một buổi sáng trung tuần tháng 3-2011, chúng tôi đến cảng biển Phú Hữu, một công trình do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn (Samco) xây dựng từ năm 2007 ở quận 9. Phải đứng “lớ ngớ một hồi” bên bờ sông Đồng Nai chúng tôi mới hỏi được đường vào cảng Phú Hữu. Cả một không gian rộng lớn gần 24 ha của cảng… tĩnh lặng đến lạ thường (chẳng trách đứng gần ngay cảng mà chúng tôi không tìm thấy cảng). Ba cần cẩu container, một nhà kho rộng hơn 2.500m², một xưởng rộng 1.500m² và 600m cầu cảng nằm im lìm. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc vắng vẻ của mình, anh Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc cảng Phú Hữu, cho biết: “May là hôm nay không có bò đi lạc vào cảng, nếu có, các anh sẽ phải... đuổi mệt nghỉ luôn”.
Thực hiện chủ trương di dời cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành của Chính phủ, từ những năm 2004- 2005, Samco có ý tưởng xây dựng một cảng biển mới ở quận 9, bên bờ sông Đồng Nai để dần thay thế cảng Bến Nghé nằm trên sông Sài Gòn (thuộc Samco) khi cảng này phải di dời. Năm 2007, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Samco đã khởi công xây dựng cảng biển Phú Hữu. Lợi thế của cảng biển Phú Hữu là hàng hóa ra - vào cảng sẽ không phải đi vào khu vực trung tâm chật chội của TP mà có thể sử dụng hệ thống đường vành đai để lưu thông. Cuối tháng 7-2010, cảng biển Phú Hữu cơ bản được xây dựng xong. Thế nhưng từ đó đến nay cảng mới đón được… 5 chiếc tàu nhỏ, dù độ sâu trước cầu cảng của Phú Hữu tới 12m.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thảo, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là cảng không có… đường vào. Quả thật, đi vào cảng bằng chiếc xe nhỏ xíu song chúng tôi cũng phải khá vất vả mới qua được những con đường nhỏ hẹp, đầy ổ gà dẫn vào cảng. Vậy thì, xe container, xe tải lớn làm sao vào được cảng? Không có hàng, không có việc làm song cảng biển Phú Hữu không thể không trả lãi vay đầu tư, không khấu hao. Anh Nguyễn Ngọc Thảo cho biết, chi phí này lên tới khoảng 1,4 tỷ đồng/tháng và hiện đang là gánh nặng… khó gánh của cảng nếu như đường vào cảng không sớm được xây dựng.
Cảng Sài Gòn Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp, cách khá xa cảng biển Phú Hữu song cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cảng biển Phú Hữu. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư xây dựng cũng được thực hiện theo quy hoạch di dời cảng ra khỏi nội thành TPHCM. Theo ông Lê Công Minh, Tổng Giám đốc cảng Sài Gòn, cầu cảng số 3 dài 200m đã hoàn thành, cầu cảng số 2 dài 400m và 2 phao neo tàu 30.000 tấn, kho hàng rời và cần cẩu vạn năng… đến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Hiện cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn. Tuy nhiên, cảng vẫn chưa có đường dẫn vào. Con đường kết nối từ đường nội bộ của Khu công nghiệp Hiệp Phước vào đến cảng chỉ dài hơn 1,5km nhưng mấy năm qua chưa được xây dựng.
Cùng nằm trên sông Soài Rạp với cảng Sài Gòn - Hiệp Phước là cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT). Hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến cảng SPCT khá thuận tiện. Tuy nhiên, SPCT lại gặp một khó khăn khác, là luồng tàu biển dẫn đến cảng không tương thích với quy mô hoạt động của cảng. Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Hồng Trường, đại diện cảng đã khẩn thiết đề nghị bộ nhanh chóng có giải pháp nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp xuống độ sâu 9m và tiếp đó là 12m để cảng có thể tiếp nhận tàu đến 80.000 tấn hoặc hơn nữa, đúng như tiềm năng của cảng. Trước mắt, nạo vét ngay trước mũi Bình Khánh xuống độ sâu 8,5m vì hiện ở đây đã bị bồi chỉ còn sâu 6,8m. Do khó khăn về luồng tuyến nên hiện cảng SPCT chỉ mới nhận được tàu trọng tải khoảng 30.000- 40.000 tấn ra- vào.
Theo SGGP