|
Bộ trưởng Y tế Indonesia Endang Sedyaningsih ngày 24/3 tuyên bố, trước mắt Indonesia không có kế hoạch cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, cho dù hàng loạt quốc gia láng giềng đã ban hành lệnh cấm, do lo ngại về phóng xạ.
Thay vào đó, Chính phủ Indonesia sẽ yêu cầu giới chức Nhật Bản dán các chứng nhận không nhiễm chất phóng xạ trên tất cả các thực phẩm sẽ được xuất sang Indonesia từ sau ngày 11/3.
Theo Cơ quan kiểm soát thực phẩm và thuốc (BPOM), toàn bộ các mặt hàng được chuyển tới Indonesia trên chuyến tàu gần đây nhất rời Nhật Bản vào ngày 11/3 và đang bày bán trên thị trường Indonesia đều đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, sau khi nhận được thông tin Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phát hiện sữa tươi và rau quả ở Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma nhiễm phóng xạ ở mức cao, Cơ quan Nông lương và Thú y Singapore (AVA) ngày 23/3 đã thông báo đình chỉ việc nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, trái cây và rau quả, thủy hải sản và thịt từ bốn tỉnh này. Đến ngày 24/3, AVA đã bổ sung thêm quận Chiba và Ehime vào danh sách cấm nhập thực phẩm.
AVA thông báo đã phát hiện phóng xạ iodine và cesium vượt mức cho phép trong mẫu bốn loại rau nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, AVA cho rằng, mức nhiễm xạ trong các mẫu thử cho thấy, một người lớn cần phải tiêu thụ 3,5kg các loại rau này mới có mức nhiễm xạ tương tự từ một phim X-quang và 184kg mới có mức nhiễm xạ tương đương với bức xạ nền bình thường mà một người tiếp xúc trong một năm. Vì vậy, việc tiêu thụ ngắn hạn thực phẩm ở mức độ nhiễm phóng xạ như đã được phát hiện không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Còn với Philippines, nước này chỉ ngừng nhập khẩu chocolate có chứa sữa được sản xuất từ các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang bị rò rỉ phóng xạ của Nhật Bản, trong khi không cấm đối với các loại thực phẩm khác, vì kết quả kiểm tra cho thấy các sản phẩm vẫn an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Philippines sẽ tiếp tục kiểm tra các loại thực phẩm của bốn tỉnh bị ảnh hưởng của phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân là Fukushima, Ibaraki, Gunma và Tochigi.
Theo Vietnam+
|