|
CPI tăng cao. Nhập siêu vẫn ồ ạt. Điều đáng chú ý là trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đang quyết tâm kiềm chế lạm phát, kiểm soát nhập siêu - nhất là hàng xa xỉ, hàng hoá thuộc diện kiểm soát, hạn chế nhập khẩu - thế nhưng những mặt hàng này vẫn tăng mạnh nhập khẩu cả về số lượng và giá trị. Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ dựng hàng rào hành chính thì khó xử lý được vấn đề này.
Nhìn từ con số
Theo đại diện Tổng cục Hải quan thì dù chưa hết tháng 3, thế nhưng cán cân XNK vẫn lệch về bên nhập siêu. Con số thống kê sơ bộ cho đến nay, VN đã nhập siêu hơn 3 tỉ USD. Trong khi đó nếu theo con số chính thức được công bố 2 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch XNK của cả nước đạt 27,26 tỉ USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, kim ngạch XK ước đạt 12,79 tỉ USD, tăng 45,6% (tương ứng tăng hơn 4 tỉ USD). Kim ngạch NK ước đạt 14,47 tỉ USD, tăng 30,4% (tương ứng tăng 3,37 tỉ USD).
Tuy nhiên điều đáng nói là trong khi cán cân nghiêng về nhập siêu hơn 3 tỉ USD thì trong số này, mặt hàng xa xỉ đã chiếm tới hơn 1,2 tỉ USD. Cụ thể theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ trong hai tháng đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trong mục nhóm hàng hạn chế nhập khẩu như nguyên phụ liệu thuốc lá, ôtô, hàng tiêu dùng, rượu bia, mỹ phẩm... đã đạt gần 1,1 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch NK. Cũng theo các chuyên gia của bộ này thì việc hàng hóa xa xỉ thuộc diện hạn chế NK tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái là cả một vấn đề cần được cảnh báo.
Theo cảnh báo của Bộ Tài chính thì hoạt động NK hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện diễn ra rất phức tạp, chủ yếu diễn ra ở dạng tiểu ngạch, buôn lậu nên rất khó kiểm soát. Có thời điểm phải nhập siêu lớn ở mức tới 95%. Từ con số này cho thấy khả năng thất thu thuế là rất lớn, bên cạnh đó là những tác động tiêu cực về xã hội, môi trường, chất lượng hàng hóa... đang gây nên sức ép lớn cho kinh tế, đời sống người dân.
Kiểm soát không chỉ là hành chính
Trên thực tế, VN từ lâu đã có hàng rào thuế quan, hàng rào thương mại để kiểm soát vấn đề nhập siêu, nhất là việc NK những mặt hàng cần hạn chế. Thậm chí ở những lúc cao điểm, bên cạnh biện pháp kinh tế còn có hàng loạt biện pháp hành chính được ban hành nhằm kiểm soát vấn đề này. Cụ thể Chính phủ đã ban hành quy định dừng mua sắm ôtô công có nguồn gốc NK.
Bộ Thông tin - Truyền thông khuyến cáo các DN hạn chế NK thiết bị, máy móc 3G, trong đó có mặt hàng xa xỉ là điện thoại di động. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cùng ban hành kiểm soát NK bằng danh mục các mặt hàng cần kiểm soát, hạn chế NK. Thế nhưng với những con số và cảnh báo trên thì cho thấy, kết quả của những biện pháp này chưa hẳn như mong muốn.
Nếu từ con số hơn 1,2 tỉ USD dành cho NK hàng xa xỉ thì trong số này đã có tới gần 200 triệu USD để NK ôtô (gần 11.000 xe). Còn nếu nhìn từ góc độ thị trường thì sẽ thấy các cửa hàng, siêu thị tràn ngập sữa, thịt, rượu, bia, thuốc lá... có nguồn gốc NK - trong khi đây là những mặt hàng thuộc danh mục hạn chế. Hay như hiện nay, giá chiếc điện thoại iPhone trên dưới 20 triệu đồng/chiếc, thế nhưng mặt hàng này được Viettel và VinaPhone nhập về đến đâu, bán hết đến đó.
Như vậy rõ ràng, việc cần có thêm công cụ để quản lý, kiểm soát bằng được nhập siêu và NK hàng xa xỉ đang là yêu cầu bức thiết khi mà Chính phủ quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11. Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này vừa ban hành danh mục gần 100 nhóm mặt hàng không khuyến khích NK. Trong đó danh mục mới đặc biệt hạn chế nhập gồm các mặt hàng sữa, kem chưa cô đặc và đặc biệt là các loại xe ôtô được thiết kế chở người...
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc ban hành danh mục này cũng như những biện pháp hành chính là chưa đủ, mà đi kèm đó là cần các công cụ quản lý bằng tài chính, thuế quan, kiểm soát chất lượng... Nhưng cao nhất vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt cho vay tiêu dùng, kiểm soát chi tiêu công. Các chuyên gia cho rằng khi dòng tiền được thắt chặt, hàng rào thuế quan và thương mại chặt chẽ thì các biện pháp này sẽ phát huy tác dụng.
Theo Lao Động
|