|
Bằng một loạt biện pháp kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước đã đưa tỷ giá vào tầm kiểm soát, hạn chế găm giữ ngoại tệ để doanh nghiệp và người dân nắm giữ VND. Nhưng đằng sau đó, lãi suất vẫn tăng bất chấp giới hạn 14%/năm, nhiều ngân hàng đang rất mệt mỏi vì giữ thanh khoản.
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, nếu xâu chuỗi những động thái của Ngân hàng Nhà nước từ cuối 2010 đến hết quý 1/2011, có thể thấy nhà điều hành tiền tệ đang có những bước đi khá bài bản.
Đầu tiên là cú điều chỉnh tỷ giá cặp tiền VND/USD tăng tới 9,3% vào ngày 11/2/2011, tiếp đó là chính sách “thít” tiền đồng song song kết hợp với các bộ ngành cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc đưa tỷ giá vào khuôn khổ và hướng dần tới việc chỉ giao dịch, thanh toán bằng một đồng tiền là VND trong nền kinh tế.
Khác với những lần trước, tỷ giá tự do chạy đến đâu, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh đến đó, thì với cú điều chỉnh “11/2” đã đưa tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do gần lại với nhau. Tiếp theo, nhà điều hành bắt đầu phát đi thông điệp “thắt chặt tiền tệ” bằng việc tăng các loại lãi suất chủ chốt như: tái cấp vốn, tái chiết khấu, thanh toán bù trừ liên ngân hàng, thu hẹp quy mô giao dịch OMO...
Và cùng với đó, vụ bắt giữ mua bán trái phép 400 nghìn USD trên thị trường tự do được truyền thông rộng rãi, kỷ cương giao dịch ngoại tệ được siết chặt. Chưa kể gần đây nhất (30/3), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước còn công bố số dư tiền gửi ngoại tệ của 78 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 1,61 tỷ USD; đồng thời yêu cầu những đối tượng này phải bán lại 370 triệu USD dưới dạng tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn.
Nhờ đó, giữa hai thị trường tiền tệ và ngoại hối đã có sự liên thông cần thiết. Riêng với một “sơ suất” trong quá trình này là khi cấm mua bán ngoại tệ “chợ đen”, Ngân hàng Nhà nước chưa chuẩn bị kịp thời phương án giải quyết ngoại tệ cho những nhu cầu mua chính đáng, thì nay, bất cập này đã được khắc phục.
Tuy nhiên, không có chính sách nào hoàn hảo, và mặt trái của chúng bắt đầu lộ diện. Những cán bộ chuyên cân đối nguồn vốn ở một số ngân hàng thương mại lớn nói rằng: “Chưa bao giờ thị trường bị căng thẳng thanh khoản như hiện nay, kể cả so với thời kỳ nửa cuối 2007 và 2008”.
Theo họ, nguyên nhân đầu tiên là 2010 được coi là năm tăng trưởng tín dụng khá mạnh. Nhưng từ quý 1/2011, khi quay sang chính sách thắt chặt, thay vì cần có lộ trình thì sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước có phần vội vã, mức độ thay đổi lớn, cường độ nhanh và đột ngột, trong khi ngân hàng thương mại phải đáp ứng nhiều yêu cầu tại một thời điểm, nhất là yêu cầu về các hệ số an toàn. Chẳng hạn, kể từ 1/10/2010, các tổ chức tín dụng phải áp dụng Thông tư 13 và Thông tư 19 theo hướng chuẩn mực quốc tế, với những tỷ lệ an toàn rất cao, chẳng hạn, tỷ lệ an toàn thanh khoản “khe hở một ngày”, “khe hở 7 ngày”. Nhìn nhận một cách công bằng, chỉ có khoảng 50% - 60% số lượng ngân hàng đáp ứng được.
Thứ hai, vào thời điểm quý 1/2010, lúc thị trường 1 và 2 đang có sự liên thông với nhau (sự liên thông này là rất cần thiết) nhưng có một số bất cập. Cụ thể, ở hội sở một số ngân hàng thừa tiền cho vay ra ở thị trường 2 nhưng ở dưới các chi nhánh (thị trường 1) do bị khoán hệ số Q thấp nên cứ nhận vào. Đây là kẽ hở để giới trung gian lấy vốn trên trên thị trường 2 đẩy vào thị trường 1 để kiếm lời do lãi suất thị trường 2 thấp hơn thị trường 1.
Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng muốn giao dịch vốn với nhau thì phải tập trung tại hội sở chính, không cho phép các chi nhánh ngân hàng gửi chéo vốn cho nhau. Đến ngày 18/3/2010, Ngân hàng Nhà nước gửi đi thông điệp “sẽ thanh tra những tổ chức tín dụng có tỷ lệ vốn huy động trên thị trường 2 lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường 1” nhằm hạn chế tình trạng nhiều ngân hàng có quy mô lớn, nhiều kinh nghiệm thì không mở rộng tín dụng, còn ngân hàng nhỏ lại vay vốn trên thị trường 2 đẩy vào tín dụng, gây rủi ro thanh khoản.
Tuy nhiên, với động thái này, Ngân hàng Nhà nước đã làm gián đoạn sự kết nối giữa thị trường 1 và thị trường 2, nhiều ngân hàng có khả năng huy động nguồn vốn rất tốt, với giá cao nhưng bị đọng lại ở hội sở, không “tiêu” được.
Trước thực tế này, rất nhiều ngân hàng kêu ca nhưng cuối cùng vẫn phải thích nghi. Họ nhận nguồn vốn giá rẻ từ thị trường 2, sau đó giao cho công ty con “sân sau”, gửi ngược vào các ngân hàng thông qua thị trường 1. Hoạt động của những bộ phận trung gian này đã làm cho hệ số nhân tiền nơi các tổ chức tín dụng rất lớn, mặc dù mức cung tiền từ Ngân hàng Nhà nước rất thấp. Khi hệ số nhân tiền đang lớn, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ đột ngột, sự căng thẳng thanh khoản bị đẩy lên cao và lãi suất cả hai thị trường bắt đầu nhảy múa. Vô tình, Ngân hàng Nhà nước “đập chuột”, nhưng lại làm “vỡ bình hoa”?
Theo VnEconomy
|