|
Bắt đầu từ 19/4, sắc lệnh của Mỹ về việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với CHDCND Triều Tiên, với lý do ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cũng như cách hành xử cứng rắn của nước này, chính thức có hiệu lực.
Sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký trước đó một ngày, nêu rõ "hoạt động nhập khẩu vào Mỹ, dù trực tiếp hay gián tiếp, đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ hay công nghệ từ CHDCND Triều Tiên đều bị cấm", song không áp dụng với những hợp đồng đã ký.
Quy định mới cũng cho phép Bộ Tài chính Mỹ thực thi những biện pháp cần thiết khi ban hành các điều luật và quy định với sự tham vấn với Bộ Ngoại giao.
Sắc lệnh này được đưa ra nhằm tăng cường cho các nghị quyết hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên liên quan tới hoạt động hạt nhân của nước này. Đây cũng là biện pháp trừng phạt tài chính riêng rẽ của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trước đó, hôm 16/4, trong chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã thảo luận với người đồng cấp Kim Sung Hwan. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, hai quan chức đã kêu gọi CHDCND Triều Tiên thể hiện quyết tâm thực sự và bằng hành động cụ thể trong việc phi hạt nhân hóa.
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Hàn xác định việc đối thoại liên Triều về phi hạt nhân hóa phải là một ưu tiên trong việc nối lại đàm phán sáu bên. Đây là quan điểm đã từng bị CHDCND Triều Tiên bác bỏ với lý do họ chỉ muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề này.
Hồi tháng 8/2010, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các nguồn tài trợ được cho là hỗ trợ Bình Nhưỡng trong chương trình theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 5/4, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định gia hạn lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên thêm một năm, sau khi các biện pháp hiện hành hết hạn vào ngày 14/4. Đây là lần thứ bảy Tokyo gia hạn trừng phạt Triều Tiên.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano khi đó cho biết, quyết định được đưa ra do không có tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc, vấn đề chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như vụ pháo kích giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 11/2010.
Nhật Bản bắt đầu đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ tháng 10/2006, ba tháng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân. Lệnh trừng phạt này ban đầu cấm nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên và cấm tàu của Triều Tiên cập cảng Nhật Bản, đồng thời quy định xem xét gia hạn sáu tháng một lần.
Theo VnEconomy
|