Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã báo cáo lợi nhuận quý 1-2011. Trong bối cảnh lạm phát leo thang, vốn vay cao ngất ngưởng, một số doanh nghiệp vẫn lãi.
Tới thời điểm hiện tại có 10 doanh nghiệp cổ phiếu ngành điện công bố báo cáo tài chính quý 1. Đối với thủy điện, có 3 công ty lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, 1 công ty lợi nhuận giảm và 2 công ty lỗ trong quý 1.
Cụ thể, thủy điện Thác Bà (TBC) đạt 19,5 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 6,4 tỷ đồng, hơn 12% so với cùng quý 2010. Thủy điện Nậm Mu (HJS) đạt doanh thu cao nhất với 22,3 tỷ đồng, lãi 3,8 tỷ đồng, tăng 116% so với quý 1-2010. Thủy điện Cần Đơn (SJD) lãi cao nhất 8,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thủy điện Thác Mơ và thủy điện Ry Ninh II lỗ lần lượt 4,9 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng. Chủ yếu là do trong quý, lượng nước về các hồ thấp, sản lượng điện sản xuất giảm so với cùng kỳ 2010.
Tổng hợp ngành thủy sản, có 14 doanh nghiệp (DN) ngành gồm 10 DN cá và 4 doanh nghiệp tôm công bố. Có 4 DN có lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kì năm ngoái, 1 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá, đứng đầu về doanh thu và lợi nhuận là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) với doanh thu 800,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,7 tỷ đồng.
Thủy sản Bến Tre (ABT) tuy doanh thu giảm 4% so với cùng quý 2010, đạt 152 tỷ đồng; Theo báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Minh Phú (MPC) đạt trên 1.270 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, bỏ xa các doanh nghiệp khác cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cập nhật kết quả kinh doanh của ngành dược phẩm với 10 công ty công bố, có 9 công ty có lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ 2010 và chỉ 1 công ty có lợi nhuận giảm. Trong nhóm kết quả kinh doanh tăng, tiêu biểu là công ty dược Hậu Giang (DHG) lợi nhuận sau thuế đạt trên 88 tỷ đồng, tăng 21%.
Kết thúc quý 1/2011, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ngoại trừ các thành viên quốc doanh vừa cổ phần hóa) cho thấy bước khởi đầu suôn sẻ ở các con số lợi nhuận Dẫn đầu trong khối là ACB tổng lợi nhuận trước thuế 863,3 tỷ đồng.
Eximbank là 850 tỷ đồng; Ngân hàng cổ phần Quân đội (MB) là 714 tỷ đồng; DongA Bank đạt 340,4 tỷ đồng; Techcombank chưa công bố cụ thể, nhưng dự tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2011 có thể ở mức cao trong khi mục tiêu lãi cả năm của ngân hàng này đặt mốc tới 4.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Nhờ đâu?
Tuy nhiên, dưới các quan điểm đầu tư, hầu hết giới phân tích không cho rằng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền trên thị trường. Theo Báo cáo phân tích ngành của Công ty chứng khoán SME, cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn liên tục đi ngang. “Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, một trong những phương pháp mà khối ngân hàng sẽ dùng là bán tài sản cố định khi cần thiết mặc dù đây không phải là phương án hay,” SME chỉ ra lo ngại.
Phó Tổng giám đốc CTCK Tràng An Nguyễn Trí Dũng thừa nhận trong quý 1 những ngành mang tính đột phá có lợi nhuận cao thường tập trung vào những doanh nghiệp thời gian qua có nhiều mặt hàng tồn kho, được hưởng lợi từ tích trữ hàng như đường, thép; những ngành xuất khẩu (thủy sản, cà phê) cũng hưởng lợi từ biến động USD vừa rồi bên cạnh nhu cầu thế giới tăng.
DN thuộc các ngành viễn thông, dược phẩm, sữa ít bị cạnh tranh, vẫn “đẻ trứng vàng”; duy chỉ khối xây dựng, bất động sản đi xuống, kém hơn do những ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ, thắt chặt tín dụng” - Ông Dũng phân tích. Từ nay đến cuối năm, có hay không sự thay đổi trong xếp hạng lợi nhuận các nhóm ngành hàng? Theo ông Dũng, một số ngành như dược, viễn thông, sách, và cả thủy điện sẽ tăng trưởng tốt.
Theo Vietstock, hiện tại, 2/3 số cổ phiếu niêm yết đang giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách. Còn theo thống kê của CTCK Hòa Bình (HBS), 1/3 số cổ phiếu hiện nay được giao dịch thấp hơn mệnh giá và tỷ lệ này tiếp tục có xu hướng tăng lên. Trong số này có sự góp mặt đông đảo của nhóm cổ phiếu chứng khoán: SVS của CTCK Sao Việt chỉ còn 4.000 đồng/CP, SME của CTCK SME còn 5.100 đồng/CP…
Theo TPO