Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lên tiếng phản đối, lý do mức thuế này không đúng thực tế và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất phôi trong nước.
· Vượt xa mức bù giá
Lý do Bộ Tài chính nêu ra là lợi nhuận ngành thép có được là “do được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng 10-15 USD/tấn”, tức khoảng 214.000 - 321.000 đồng/tấn tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Số liệu này căn cứ vào giá điện tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đồng/kWh thay vì giá điện bình quân năm 2010 là 1.242 đồng/kWh. Và bộ này kết luận ngành thép tận dụng giá điện thấp để xuất khẩu.
Tuy nhiên theo bảng thống kê do VSA cung cấp cho thấy, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp, vì thế lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi đã tính đủ theo giá điện EVN đề nghị. Trong các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi, còn các sản phẩm khác, chỉ tiêu hao 100-120 kWh/tấn.
Nếu tính theo mức giá 1.777 đồng/kWh thì mỗi tấn phôi sẽ tốn 1 triệu đồng tiền điện, chiếm 7,35% trong giá thành sản xuất 1 tấn phôi (trung bình khoảng 14,5 triệu đồng/tấn). Với những sản phẩm khác, mức độ tiêu tốn nhiên liệu thấp hơn nhiều, chẳng hạn như chi phí tiền điện để cán 1 tấn thép xây dựng chỉ tốn 177.000 đồng/tấn thép, bằng 1,11% trong tổng giá thành 1 tấn thép (trung bình 16 triệu đồng/tấn). Con số trên cho thấy, mức thuế 3% với sản phẩm thép đã vượt xa so với mức bù giá EVN đề nghị.
· Đi ngược chủ trương giảm nhập siêu?
Nhận định về mức độ ảnh hưởng do chính sách thuế trên gây ra, VSA cho rằng thay đổi mức thuế xuất khẩu sẽ làm các doanh nghiệp thép không ổn định được kế hoạch sản xuất kinh doanh và làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành thép. Hiện phôi thép là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thép. Doanh nghiệp mới tự chủ được 65% nhu cầu phôi cho sản xuất trong nước. Mỗi lần giá phôi thế giới tăng đột biến lại khiến giá thép nội biến động mạnh. Do vậy, Nhà nước đã có chủ trương tăng sản xuất phôi trong nước để giảm nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần ổn định thị trường giá cả ngành thép, giảm nhập siêu chứ không nhằm mục tiêu xuất khẩu.
Việt Nam đang định hướng đưa nền kinh tế theo hướng thị trường. Ngành thép trong nước đã hội nhập sâu với ngành thép thế giới. Khi giá phôi thế giới cao hơn so với phôi trong nước sản xuất, doanh nghiệp sản xuất phôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đó là chuyện bình thường. Ngoài ra, sự bất ổn định về chính sách thuế sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất phôi trong nước.
Thực tế cho thấy, phôi thép tiêu hao điện nhiều nhất nhưng lượng phôi xuất khẩu và tái xuất khẩu không đáng kể. Lượng phôi sản xuất trong nước chủ yếu bán cho các nhà máy cán thép nội. Hiện nay nhập siêu trong ngành thép (nhập nguyên vật liệu) rất cao, hơn nữa tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, làm công suất các nhà máy hiện tại đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước, do vậy VSA khẳng định xuất khẩu các sản phẩm thép là cấp thiết.
Hiện các nước trong khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc đều áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam mới tham gia thị trường xuất khẩu thép, tính cạnh tranh về giá thành còn thấp, nếu đánh thuế xuất khẩu vào thép sẽ giảm khả năng xuất khẩu, sản phẩm thép sẽ chủ yếu bán trong nước, lượng dư thừa sẽ trầm trọng hơn.
Theo SGGP