Ngày 24.6, tại cuộc họp báo trực tuyến về tình hình sản xuất kinh
doanh, xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm và công bố quy hoạch định hướng đầu tư dệt
may đến năm 2020, lãnh đạo Tập đoàn Dệt - May VN (Vinatex) đã phát đi thông điệp:
5 năm tới sẽ là giai đoạn ngành dệt may có những bước đột phá nhằm cơ cấu lại sản
xuất, lao động để tăng trưởng bền vững, tạo giá trị gia tăng cao chứ không đơn
thuần là ngành sản xuất gia công.
Tăng trưởng nhờ quyết sách đúng
Ông Lê Tiến Trường - Phó TGĐ thường trực Vinatex nhận định: 6 tháng đầu năm,
các doanh nghiệp dệt may dù chịu khó khăn rất lớn từ các biến động đầu vào là
giá nguyên liệu thế giới tăng cao, trong nước chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, lãi
suất, giá xăng dầu, điện... tăng, nhưng lại là năm toàn ngành tăng trưởng đầy ấn
tượng. Kim ngạch XK 6 tháng tăng xấp xỉ 30% so cùng kỳ, ước đạt 6,16 tỉ USD; sản
lượng tăng 18%... được xem là mức tăng trưởng XK cao nhất trong vòng 4 năm trở
lại đây.
Trong
bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là giá bông chỉ trong vòng 100
ngày tăng chóng mặt, từ 3USD/kg lên 5USD, rồi trở về mức xấp xỉ 3USD; tính
chung, bông tăng khoảng 103% về giá trị, vải nhập khẩu tăng 38%... khiến kim ngạch
NK nguyên liệu tăng mạnh.
Theo ông Trường, nếu so với tốc độ tăng trưởng XK thì NK nguyên liệu bông tương
ứng phải tăng tới 240%, vải tăng trên 50%, nhưng nhờ chủ động nâng tỉ trọng
nguyên liệu trong nước sản xuất được mà về lượng NK bông giảm 10%.
Tỉ trọng XNK dệt may cũng nghiêng về xuất với mức xuất siêu 6 tháng đầu năm 2,1
tỉ USD, góp phần giảm áp lực cán cân thương mại. Bên cạnh XK, doanh thu tiêu thụ
nội địa ngành dệt may cũng tăng 22-23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.300 tỉ đồng
trong 6 tháng.
Giải pháp quan trọng đưa đến kết quả khả quan nêu trên, theo ông Lê Tiến Trường
là do ban lãnh đạo Vinatex đã xác định đúng hướng các giải pháp đột phá. Tập
đoàn đã quyết định tạm hoãn những dự án trong khâu dệt, nhuộm có suất đầu tư
cao, tỉ suất lợi nhuận/vốn dưới 20%, để tập trung vốn cho các dự án hiệu quả,
thời gian đầu tư ngắn và đã có khách hàng.
Trong bối cảnh lãi suất tín dụng tăng cao, Vinatex đã “sáng kiến” dựa vào các
khách hàng truyền thống để kêu gọi các đối tác tham gia đầu tư hoặc ứng vốn cho
đầu tư, sau đó thu hồi vốn thông qua các đơn đặt hàng Vinatex.
Tăng giá trị chất xám trong sản phẩm
Lâu nay, XK dệt may thường được cho là ngành XK gia công chủ yếu, hàm lượng chất
xám trong sản phẩm không cao. Trong khi đó, VN chưa xây dựng được các ngành
công nghiệp phụ trợ phát triển và chủ động về khâu nguyên liệu, thiết kế cũng bị
xem là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị dệt may.
TGĐ Vinatex - ông Trần Quang Nghị cho biết: Chiến lược phát triển ngành dệt may
VN 5 năm tới sẽ có những thay đổi rất sâu về chất, hướng đến những sản phẩm dệt
may có giá trị cao, hàm lượng chất xám cao và nội địa hóa ở mức cao. Muốn vậy,
mục tiêu số 1 của ngành là đẩy mạnh chất lượng, từng bước nâng cao giá trị gia
tăng trong sản phẩm XK và được thị trường thế giới chấp nhận.
Theo tính toán của ngành này, hiện tỉ trọng đơn hàng XK theo phương thức gia
công là chủ yếu sẽ chuyển sang phương thức FOB (sử dụng một phần nguyên liệu
trong nước thay vì sản xuất theo đơn đặt hàng) và sang hình thức bán sản phẩm gồm
cả thiết kế (ODM). Tỉ trọng sản phẩm ODM trong các đơn hàng dự kiến sẽ khoảng
5% ngay trong năm 2011 và tăng lên khoảng 15% vào năm 2015 và 20% năm
2020.
Theo ông Lê Tiến Trường, VN phải tìm ra “thị trường ngách” để tạo bứt phá so với
các nước trong khu vực. Bởi hiện nay, tuy được tiếng là nước XK dệt may lớn thứ
hai vào thị trường Mỹ, nhưng VN mới chiếm khoảng 8% thị phần tại nước này, bị
Trung Quốc là nước đứng đầu bỏ khá xa (với 42% thị phần).
Bởi vậy, bên cạnh vấn đề được xem là sống còn của các DN trong cạnh tranh là
tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm thì xây dựng được chuỗi liên kết
nội tại với các DN trong nước sản xuất nguyên phụ liệu, xây công nghiệp phụ trợ
đủ mạnh và đào tạo nhân lực chính là giải pháp để ngành dệt may tăng tốc.
Theo LĐ