Chiều hướng nhập siêu từ khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng gây quan ngại đến mức lãnh đạo Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo.
Chưa có một nghiên cứu, khảo sát nào để phân tích nguyên nhân làm tốc độ tăng của hoạt động này qua các năm gần đây. Nhưng trên thực tế kim ngạch nhập khẩu của DN FDI tăng tỉ lệ thuận với số lượng loại hình DN này được cấp phép thêm chức năng nhập khẩu.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, nếu như năm 2008 chỉ có 73 DN FDI được phép bổ sung chức năng nhập khẩu thì hai năm sau số DN này đã tăng gấp ba lần. Nhìn vào danh sách các DN FDI được quyền nhập khẩu, có thể thấy ngoài Sony hay Toshiba còn có những nhà sản xuất hàng điện tử Nhật Bản quen thuộc khác như Sanyo, Sharp, Pioner, Hitachi... Trong lĩnh vực may mặc và da giày, hai thương hiệu có số lượng hàng gia công lớn ở VN là Nike và Adidas đã có thêm chức năng nhập khẩu hàng vào VN. Ở lĩnh vực sản xuất lốp xe, Kumho Tire (Hàn Quốc) và Michelin (Pháp) cũng có thêm chức năng nhập khẩu.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM thừa nhận các DN Nhật đang chuyển hướng sang hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu ở VN thay vì sản xuất như trước.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy kim ngạch nhập khẩu của DN FDI từ đầu năm đến nay trừ tháng 5, các tháng còn lại đều tăng dần. Trừ đi phần xuất khẩu dầu thô, tháng nào khu vực DN này cũng nhập siêu từ 200-650 triệu USD.
Theo ông Đinh Anh Huân - giám đốc Công ty Thế giới điện tử (chuyên doanh các mặt hàng điện tử, điện gia dụng), hiện nay phần lớn các trung tâm kinh doanh hàng điện máy đều nhập các sản phẩm máy lạnh, tivi LCD, máy quay kỹ thuật số, máy chụp hình, máy xay sinh tố theo các thương hiệu điện tử nổi tiếng như Samsung, Sony, Toshiba, LG...
Tùy từng thương hiệu, các sản phẩm nói trên được nhập khẩu 100% từ các nước Malaysia, Singapapore, Thái Lan, Indonesia hoặc được chính các nhà sản xuất nhập khẩu linh kiện về và tổ chức lắp ráp trong nước.
Còn ông Vũ Dương Ngọc Duy, phó tổng giám đốc Công ty JVC Việt Nam, nói thẳng: so với mức thuế nhập khẩu linh kiện điện tử từ 3-20% như hiện nay, việc kinh doanh hàng nhập khẩu nguyên chiếc thuế suất 5%, “doanh nghiệp dễ dàng tính toán hiệu quả kinh tế hơn nhiều thay vì phải tổ chức sản xuất”.
Một chuyên gia lâu năm của ngành điện tử xác nhận một DN sản xuất hàng điện tử trong nước chuyển sang nhập khẩu đã tăng vọt doanh thu lên gấp đôi so với trước. “Khi số nhân viên được gom gọn, chi phí mặt bằng và sản xuất được tinh gọn hơn, rõ ràng nhập khẩu kinh doanh đương nhiên có lời hơn nhập linh kiện về tổ chức sản xuất” - ông khẳng định.
Theo TTO