Nhà máy THACO BUS tại Chu Lai của Công ty ô tô Trường Hải (THACO) đang hướng đến việc xuất khẩu dòng xe buýt sang các nước khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Theo đánh giá của các chuyên gia, AFTA là một thị trường đầy tiềm năng với số lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô trung bình những năm gần đây khoảng 2 triệu xe/năm. Trong đó, Thái Lan đứng đầu với năng lực sản xuất mỗi năm hơn 1,45 triệu xe. Thái Lan hiện đã có tỷ lệ nội địa hóa đến 90% phụ tùng ô tô các loại và là nước xuất khẩu ô tô nhiều nhất trong khu vực. Tuy nhiên, ở Thái Lan chỉ phổ biến các dòng xe du lịch nhỏ, xe đa dụng, xe có tính năng việt dã, xe bán tải nhẹ, xe khách nhỏ và vừa, còn riêng với dòng xe buýt loại lớn thì hầu như thị trường còn bỏ ngỏ.
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu xe buýt qua các nước khu vực AFTA, THACO đã đầu tư xây dựng nhà máy với tỷ lệ nội địa hóa đến 90% bao gồm dây chuyền sản xuất toàn bộ thân xe, xưởng sơn, dây chuyền sản xuất điện, máy lạnh, nội thất; dây chuyền lắp ráp hoàn thiện, dây chuyền kiểm định hiện đại có thể kiểm định hệ thống ABS (chống bó cứng phanh), hệ thống ASR (chống trượt quay), đường thử xe dài 3 km với đầy đủ các loại địa hình mô phỏng gần với thực tế. Nhà máy này đảm nhận sản xuất các dòng sản phẩm THACO Mobihome, THACO County, THACO Areo Town, THACO Universe từ 18 - 51 chỗ; xe buýt nội thành 30, 40, 60, 80 chỗ... có chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng, tiện nghi hiện đại, tỷ lệ nội địa hóa từ 40% đến 46%.
Đánh giá về công nghệ ô tô mà THACO đang áp dụng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng sự chủ động và linh hoạt trong xây dựng và phát triển của THACO rất đáng để nghiên cứu. Vì nếu như nhập dây chuyền thiết bị toàn bộ thì chi phí rất đắt trong khi chủ trương của Nhà nước khuyến khích khả năng tự sản xuất trong nước thay thế thiết bị phụ tùng nhập khẩu. Ông cũng cho biết Bộ Công thương sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có sự sửa đổi chiến lược phát triển công nghiệp ô tô nói riêng và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam nói chung cho phù hợp.
Theo TNO
|