Ngày 15-7, lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh, thành ủy và UBND bảy tỉnh thành duyên hải miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa) ngồi lại với nhau ở Đà Nẵng tại hội thảo “Liên kết phát triển bảy tỉnh duyên hải miền Trung”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự chủ động có trách nhiệm của lãnh đạo bảy địa phương khi tổ chức hội thảo này, bởi “lễ hội thì năm nào, địa phương nào cũng có nhưng bàn chuyện làm ăn thì ít”. Ông Phúc nhấn mạnh bốn hướng liên kết: phát triển kinh tế biển phải được xem là trọng tâm; tập trung và phân công trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng đi liền với phòng chống thiên tai, chống lũ, thoát lũ an toàn, đảm bảo hệ thống giao thông; cuối cùng là chú trọng bảo vệ môi trường. Ông đề nghị để tính liên kết đi vào thực chất và hiệu quả, lãnh đạo các địa phương phải mạnh dạn hành động trên danh mục những vấn đề hợp tác cụ thể, lợi ích phù hợp và tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, cần sự đồng thuận cao.
Hội thảo cũng thống nhất các nội dung liên kết như điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung cả vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng.
Đồng thời hội thảo cũng kiến nghị trung ương xác định duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm về kinh tế biển để có sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng, bổ sung hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thí điểm cơ chế phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Chính phủ, xây dựng tại miền Trung một đại học quốc gia, bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông, chỉ đạo sớm xây dựng chiến lược quốc gia về du lịch biển.
Theo TTO