Đây là một trong những băn khoăn lớn nhất của nhiều chuyên gia kinh tế trước đề xuất của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam. Nóng ruột trước thực trạng mà Hiệp hội Cảng biển Việt Nam nêu nhưng họ cũng băn khoăn rằng, nếu tăng giá dịch vụ xếp dỡ như kiến nghị, liệu chủ hàng Việt Nam có bị thiệt, có bị tăng giá cước?
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã có giải trình về vấn đề này. Theo đó, hiện nay nhiều hãng tàu đã thu của các chủ hàng Việt Nam mức phí làm hàng tại cảng bình quân trên 70 USD cho một container 20 feet và 115 USD cho một container 40 feet. Trong trường hợp chủ hàng thực hiện dịch vụ thông qua đại lý vận tải biển thì chi phí còn cao hơn. Như vậy, so với mức giá sàn mà Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề nghị, giá dịch vụ xếp dỡ container mà các chủ hàng phải trả vẫn cao hơn. Vận tải biển nội địa cũng không bị ảnh hưởng do giá sàn chỉ áp dụng cho dịch vụ vận tải biển quốc tế.
Thế nhưng, giả định giá sàn được ban hành, liệu các cảng có nhân “cơ hội” này để tăng giá cước đối với các chủ hàng Việt Nam nhất là khi hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam đa phần đều do hãng tàu nước ngoài thực hiện? - Một số chuyên gia kinh tế đặt vấn đề.
Quả là khó để nhận định việc gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu cảng Cái Mép-Thị Vải không thay đổi, chắc chắn sẽ có hậu quả nhãn tiền, đó là doanh nghiệp cảng bị lỗ, không thể nộp thuế. Nhà nước thiếu nguồn thu để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tới cảng. Thế rồi như một vòng tròn luẩn quẩn, thiếu hạ tầng kỹ thuật, cảng kinh doanh khó khăn sẽ khó khăn hơn, tình trạng lỗ sẽ tiếp diễn… Các định chế tài chính quốc tế sẽ cho rằng, đầu tư vào Việt Nam có độ rủi ro cao. Từ đó, các dự án đầu tư vào Việt Nam sẽ khó tìm nguồn tài trợ và nếu tìm được sẽ phải chịu nhiều điều kiện khắt khe hơn mà đặc biệt là lãi suất cao, bảo hiểm cao thậm chí có yêu cầu buộc cầm cố tài sản cho vay…
Theo SGGP