Cùng với chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành giao thông vận tải (GTVT) của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết kế hoạch phát triển thời gian tới là sẽ hình thành những tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn.
Sau 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH) các công ty nhà nước độc lập và các đơn vị thành viên của các Tổng công ty, các công ty.
Tính đến hết 9/2011, Bộ GTVT đã CPH, chuyển đổi 324 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, giải quyết chế độ cho 13.632 lao động, với tổng số tiền chi trả hơn 550 tỷ đồng (trung bình hơn 40 triệu/lao động).
Các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, cổ phần nhìn chung hoạt động tốt hơn. Cụ thể, vốn nhà nước sau khi đánh giá lại tăng 20%, doanh thu và lợi nhuận tăng bình quân 10%, thu nhập của người lao động tăng 10%, việc làm ổn định. Đặc biệt sau khi CPH, doanh nghiệp hoạt động luật Doanh nghiệp nên cơ chế quản lý doanh nghiệp được thay đổi, tính chủ động trong sản xuất kinh doanh tốt hơn, vai trò làm chủ của người lao động được đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sắp xếp, CPH doanh nghiệp trong thời gian qua còn hạn chế do gặp một số khó khắn như tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được các chủ đầu tư thanh toán nhiều, vốn lưu động Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp ít.
Việc thiếu vốn khiến các doanh nghiệp buộc phải vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm do phải trả lãi vay vốn cao. Kết quả sản xuất kinh doanh thấp, có những đơn vị lãi kinh doanh không bù lại được vay ngân hàng, đã tới nợ đọng kéo dài, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới….
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước của Bộ GTVT hôm 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, cơ quan sớm xây dựng đề án tổng thể về tái cơ cấu ngành của mình để triển khai cho hiệu quả, trong đó sắp xếp, đổi mới và CPH doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.
“Trong quá trình đổi mới, CPH, phải khẳng định, lựa chọn được những ngành nghề mà nhà nước cần phải nắm hoặc là những thế mạnh mà ngành giao thông cần phải làm, trên tinh thần loại nào là ta cần nắm giữ cổ phần chi phối, giữ phần vốn nhiều. Phải có một lộ trình và kế hoạch để tái cơ cấu về lĩnh vực tài chính, trên cơ sở đó có kế hoạch xử lý về vốn; Bộ GTVT phải sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp theo phương án, kế hoạch Bộ đã đưa ra; phân loại lỗ của doanh nghiệp để từ đó có biện pháp xử lý, cần phải quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tăng cường công tác quản trị…” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ này sẽ tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu các doanh nghiệp, ưu tiên vào việc cổ phần hóa, từ đó xác định 1 đề án để trình Thủ tướng..
Theo đề án hình thành các tập đoàn của Bộ GTVT trong giai đoạn 2012-2015, Bộ này dự kiến sẽ cổ phần hóa 70 doanh nghiệp; sắp xếp các doanh nghiệp cùng nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp nhiệm vụ và địa bàn hoạt động; tham gia thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đồng thời, thực hiện tái cơ cấu vốn, mô hình tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng Công ty;
Bộ GTVT sẽ thành lập 2 tập đoàn xây dựng công trình giao thông từ các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông hiện nay; thành lập tập đoàn đầu tư đường cao tốc, hợp nhất 3 tổng công ty cảng hàng không thành 1 tổng công ty, tiến tới thành lập tập đoàn đầu tư khai thác cảng hàng không
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng kiến nghị Chính phủ sửa lại Luật Đấu thầu vì hiện Luật này bị biến tướng quá nhiều, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế mà không lựa chọn được nhà thầu có năng lực.
Theo Dân Trí