|
Từ ngày 13-11-2011, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ thông xe kỹ thuật giai đoạn 1 dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ Cầu Giẽ đến Quốc lộ 21 (Hà Nam).
Theo đó, đoạn Cầu Giẽ - QL21 có chiều dài 23km, nối từ đường Pháp Vân- Cầu Giẽ đến nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam).
Những phương tiện gồm xe ô tô con, ô tô khách, xe tải, xe container từ 20-40 feet được lưu thông, còn lại các phương tiện như mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải sẽ không được lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ - QL 21. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, do đây mới là khai thác tạm thời, nên tốc độ tối đa cho các loại phương tiện là 80km/h, khi hoàn thiện, tốc độ sẽ được tăng lên 120km/h.
Từ ngày 13-11, các phương tiện sử dụng đường cao tốc chất lượng cao này sẽ phải thanh toán phí lưu thông và các dịch vụ khác. Trạm thu phí sẽ được đặt tại 2 vị trí nút giao Vực Vòng và nút giao Liêm Tuyền, phí được thu theo lượt, một dừng. Song, theo ông Mai Tuấn Anh, khi hoàn thiện toàn tuyến phí sẽ được thu theo km, lưu thông km nào, trả tiền km ấy qua thẻ từ.
Mức thu phí được chia làm 5 loại đối tượng. Trong đó, mức thấp nhất 30.000 đồng/lượt dành cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại buýt công cộng. Mức thu 35.000 đồng/lượt dành cho xe từ 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2-4 tấn. Mức thu 45.000 đồng/lượt dành cho xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4-10 tấn; Mức thu 70.000 đồng/lượt cho xe tải có tải trọng từ 10-18 tấn và xe container 20 feet và cuối cùng, mức thu cao nhất 140.000 đồng/lượt cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.
Ngay khi công bố mức thu phí này, nhiều người cho rằng, hơi cao so với phí đường bộ hiện tại. Ông Mai Tuấn Anh cho biết, mức thu phí đường bộ hiện tại của chúng ta quá thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy, xây dựng đường xong thường không có vốn để duy tu, bảo dưỡng. Mức phí như trên là không cao so với phí đường cao tốc của các nước. Ngoài ra, tuyến đường cao tốc này không phải là đường độc đạo, song song vẫn có QL 1A, các phương tiện có thể lựa chọn tuyến đường đi.
“Đi trên một con đường tốt, tốc độ lưu thông nhanh, không ách tắc, đảm bảo an toàn thì việc phải trả phí cao hơn cũng là lẽ thường”, ông Mai Tuấn Anh phân trần. Được biết, mức phí trên trước đó đã được các bộ, ngành đồng ý thông qua.
VEC đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí khi tuyến cao tốc hoàn thiện vào năm 2012. Theo đó, để có thể hoàn vốn trong thời gian 30 năm thì mức phí sẽ phải là 2.500 đồng/km.
Và, từ ngày 13-11, các phương tiện lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ- QL 21 sẽ đi như sau: Phương tiện vận tải Bắc-Nam, Hà Nội-Nam Định, Thái Bình tiếp cận đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tại nút giao Đại Xuyên (vị trí cuối của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ) và nút giao Liêm Tuyền để ra vào đường cao tốc. Các phương tiện vận tải giữa Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương (qua cầu Yên Lệnh QL 3), Đồng Văn tiếp cận đường cao tốc tại nút giao Đại Xuyên và nút giao Vực Vòng để ra vào đường cao tốc. Các phương tiện vận tải từ QL 1 tại Cầu Giẽ đến Hà Nội khi chuẩn bị vào đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ phải rẽ phải lên cầu vượt Đại Xuyên để nhập làn vào cao tốc Cầu Giẽ-Pháp Vân.
Cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, với mức đầu tư 8.974 tỷ đồng. Đây là dự án cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện theo hình thức đầu tư huy động vốn thông qua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, theo đúng kế hoạch, toàn tuyến phải hoàn thiện vào năm 2010 để giảm tải ùn tắc giao thông cho khu vực phía Nam Hà Nội.
Theo Tinmoi
|