|
Nhiều hãng tàu nước ngoài ở Việt Nam mới đây tuyên bố không nhận vận chuyển các container lạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoặc châu Âu do lo ngại bị nổ.
Lo ngại bị nổ
Ông C., phụ trách kinh doanh cho đại lý một hãng tàu biển có trụ sở ở TP.HCM cho biết, đến nay công ty đã không nhận lịch container lạnh (chứa hàng thủy sản, rau quả…) xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu từ Việt Nam. Nguyên nhân là do một số cảng ở Mỹ coi container lạnh từ Việt Nam như “bom nổ chậm”. Họ cô lập những container này, không cho cắm điện hoặc di dời qua chỗ khác rồi sau đó tính phí khiến chi phí phát sinh cho hãng tàu rất lớn. Có thể sắp tới họ sẽ không nhận container lạnh từ Việt Nam và chắc chắn các cảng ở châu Âu sẽ làm tương tự.
|
“Chúng tôi vừa nghe thông tin một số hãng tàu từ chối hoặc hủy nhận đơn hàng xuất khẩu đông lạnh đi Mỹ. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng xấu rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có hướng phối hợp xử lý trong vài ngày tới” - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN cho biết. |
|
|
Ông Ch., đại diện một hãng tàu khác cho hay, việc các cảng của Mỹ làm khó trong tiếp nhận container lạnh từ Việt Nam được văn phòng chính ở nước ngoài của hãng thông báo. Nên tạm thời, hãng tạm ngưng việc nhận container qua Mỹ. Đến nay đã có 4 - 5 hãng tàu lớn ở Việt Nam đưa ra thông tin tạm ngưng nhận lịch xuất hàng lạnh đi Mỹ.
Nguyên nhân của các phản ứng trên xuất phát từ hai vụ nổ container lạnh tại cảng Cát Lái (TP.HCM) và hai vụ nổ ở nước ngoài nhưng được cho là container có quá trình sửa chữa, duy tu và cung cấp gas mới nhất ở cảng Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, chiều ngày 27.4, tại bãi container chứa hàng đông lạnh ở cảng Cát Lái đã xảy ra một vụ nổ khiến 5 người bị thương. Sau đó, sáng 11.5, cũng tại cảng Cát Lái đã xảy ra một vụ nổ khiến 1 người chết và 1 người bị thương (ghi nhận của báo chí ở thời điểm đó). Cả hai vụ nổ này, container đều thuộc hãng Maersk Line (Đan Mạch), hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Vào giữa tháng 10, một vụ nổ container lạnh khác của Maersk Line lại xảy ra ở Brazil. Cùng thời điểm, container lạnh của hãng tàu CMA-CGM (Pháp) cũng nổ ở Trung Quốc. Thậm chí, ngày 26.10, trang tin điện tử chuyên về vận chuyển hàng hóa Worldcargonews.com có văn phòng ở Anh đã viết Hồi chuông cảnh báo nổ container lạnh, trong đó nói rằng có 3 trường hợp tử vong trong các vụ nổ kể trên và hàng trăm container trên khắp thế giới phải kiểm định lại nếu có liên quan đến dịch vụ ở Việt Nam.
Do khí gas?
Để có thể tiếp tục đưa container lạnh xuất khẩu ra nước ngoài an toàn, một số hãng tàu đã không tiếp tục bảo trì, sửa chữa container tại Việt Nam; không nạp gas từ cảng Việt Nam, vì nguyên nhân xác định ban đầu chung cho các vụ nổ là do nguồn gas. Ngoài ra, những container xuất phát từ Việt Nam trong vòng 6 tháng qua đang ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng được các hãng kiểm tra lại độ an toàn và rút gas cũ ra rồi thay gas mới vào.
Vào ngày 25.10, các hãng tàu đã có cuộc gặp với đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng các nhà cung cấp dịch vụ. Theo ông C., các hãng yêu cầu Tân Cảng Sài Gòn cam kết an toàn khi cung cấp dịch vụ cho hãng tàu. Hiện nay, ngoài hai hãng tàu Maersk Line và Wan Hai tự cung ứng các dịch vụ, các hãng còn lại đều được bảo trì, bảo dưỡng, cung ứng gas thông qua đầu mối duy nhất là Tân Cảng Sài Gòn.
Ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm điều độ thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, thừa nhận có thông tin 4 - 5 hãng tàu thông báo dừng hoặc tạm ngưng nhận container lạnh. Theo ông Toàn, Maersk là một trong hai hãng tàu tự tổ chức dịch vụ sửa chữa, vệ sinh… nên phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Tuy nhiên, khi xảy ra nổ ở Cát Lái, nên đã lập tổ điều tra và xác định nguyên nhân sơ bộ ban đầu là do khí gas được nạp vào container bị lẫn tạp chất. Nhưng kết luận cuối cùng phải chờ điều tra của Công an TP.HCM.
Về vụ nổ ở Brazil cũng của Maersk Line, ông Toàn cho hay hình ảnh hiện trường giống vụ nổ ở Cát Lái nhưng container không xuất phát từ Việt Nam. Còn vụ nổ ở Trung Quốc của hãng CMA-CGM thì container đang ở trạng thái rỗng, có thể do chất lượng khí gas không đảm bảo sau khi bơm ở đây. “Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra tất cả nhà thầu phụ về vật tư, thiết bị, điện, gas… và cam kết với các hãng tàu 10 giải pháp làm tốt dịch vụ. Trong đó đặc biệt chú trọng đến gas. Cho nên, từ 1.11 Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm đầu mối duy nhất cung cấp gas tại tất cả các cơ sở của công ty, trước đây được giao cho nhà thầu. Về lâu dài sẽ nhập khẩu trực tiếp”, ông Toàn nói thêm.
Hiện tại nguồn gas mà Tân Cảng Sài Gòn cung cấp cho các hãng tàu do nhà thầu là Công ty TNHH thương mại Thanh Kim Long cung ứng, có nguồn gốc từ Mỹ, Pháp… Thế nhưng, thông tin từ các hãng tàu cho biết, nguồn gas chủ yếu từ Trung Quốc. Gas dùng trong công nghiệp lạnh rất nhạy cảm với không khí nên nếu có lẫn tạp chất khi cắm điện vào container sẽ bị nổ ngay lập tức.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, đại diện Maersk Line khẳng định tất cả ba container trục trặc đã trải qua sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống khí gas trong cùng một địa điểm tại Việt Nam giữa khoảng thời gian từ 30.3 và 25.4.2011. Maersk cũng xác nhận có ba trường hợp tử vong. Do đó hãng đã chuyển đổi, loại bỏ hoạt động tất cả các container hàng lạnh khác trong đội tàu đã sửa chữa hoặc bảo dưỡng hệ thống khí ở bất kỳ địa điểm nào tại Việt Nam sau các vụ này. Maersk Line đặt nghi vấn về nguyên nhân của vụ nổ chính là do khí gas bị ô nhiễm. Việc điều tra nguyên nhân gốc rễ của vụ nổ đang được tiến hành. |
Theo TNO
|