Chiều 20/11, hàng ngàn người dân TP HCM đã có mặt tại
buổi lễ thông xe hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á và toàn bộ Đại lộ Đông
Tây. Chủ tịch nước đến dự, hòa chung niềm vui trong sự kiện này.
Đến dự lễ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng và
Nhà nước, lãnh đạo phía Nhật Bản, lãnh sự quán nước ngoài tại TP HCM và khoảng
500 khách mời, trong đó có nhiều hộ dân từng bị giải tỏa trong dự án này.
"Việc hoàn thành tuyến đường này góp phần phát
triển khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính - thương mại - dịch
vụ lớn của khu vực. Công trình này cũng thể hiện ý chí, tình hữu nghị trong
quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật", Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân khẳng
định.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao khả
năng tranh thủ thời cơ, huy động vốn, sáng tạo của TP HCM. "Đây là công
trình trọng điểm mang tính đột phá, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển
của TP HCM", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao
tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình
giao thông đô thị TP HCM và 3 Huân chương lao động hạng Ba cho các cá nhân có
thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thi công hoàn thành dự án.
Ông Trần Văn Mận, người dân có nhà trong khu vực bị
giải tỏa để phục vụ cho dự án hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Đông Tây cho biết, gia
đình ông đã sinh sống 4 đời ở mảnh đất quận 2. Sau khi biết chủ trương xây dựng
đại lộ hiện đại để phát triển kinh tế, ông và gia đình đã di dời đi nơi khác và
có cuộc sống ổn định. Giờ chứng kiến ngày thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến
Đại lộ Đông Tây là niềm vui rất lớn đối với ông cũng như của nhiều bà con khác.
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Thủ Thiêm từ
phía quận 2 sang quận 1. Ảnh: H.C.
Cùng chung tâm trạng, ông Bùi Tống Hòa cũng là người
dân ở quận 2 phải di dời giải tỏa để phục vụ cho dự án thế kỷ này, hồ hởi:
"Quá trình đền bù tất nhiên cũng có những thiệt thòi. Nhưng hôm nay chúng
tôi chứng kiến cảnh thông xe, rồi ngày mai có thể chạy một mạch từ quận 2 qua
quận 1 thì không hề tiếc gì cả"
Trong quá trình thực hiện, các hạng mục công trình
của dự án đã sử dụng khoảng 61 ngàn tấn thép, 450 ngàn m3 bê tông, đào đắp 3
triệu m3 đất, xây dựng hơn 1 triệu m2 diện tích mặt đường. Hơn 1.500 cán bộ
tham gia thực hiện dự án với tổng cộng 5,1 triệu ngày công, trên 400 chuyên gia
trong nước và quốc tế đã tham gia với hơn 7,4 nghìn ngày công để nghiên cứu,
thiết kế và triển khai thực hiện dự án.
Toàn bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây TP HCM sau khi được
thông xe đưa vào khai thác, sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân
thành phố, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đây còn là con đường ngắn
nhất nối kết giữa thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát
triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Nhờ có dự án, đô thị thành phố được
chỉnh trang, vệ sinh môi trường được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân
được nâng cao.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự
án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có
quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với
6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn
đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Sau lễ thông xe, người dân sẽ được đi bộ tham quan
qua hầm Thủ Thiêm đến 20h tối. Bắt đầu từ ngày 21/11 các phương tiện chính thức
được chạy qua hầm.
Quá trình thi
công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi
công xây dựng 2 hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ
vào tháng 9/2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 6/1/2010,
công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt
hầm.
Từ tháng
3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt
từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt qua 22 km đường sông về
đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt
đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2).
Ngày 4/8/2010
đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm
số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng
của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4/9/2010.
Ngày 21/9/2010
hợp long thành công hầm Thủ Thiêm.
Từ 6h sáng ngày
21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông.
|
Theo VnExpress