|
Cầu Giẽ - Ninh Bình là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được khởi công tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời cũng là “đứa con đầu lòng” của VEC. Chính vì vậy, từ cơ chế chính sách, đến tổ chức triển khai đều rất mới mẻ, vừa làm vừa hoàn thiện.
Với việc thông xe và đưa vào khai thác đoạn đầu tiên từ Cầu Giẽ đến QL21 sẽ là động lực cho VEC vượt qua khó khăn trước mắt để hoàn thành toàn bộ tuyến đường, khẳng định vai trò nòng cốt phát triển đường cao tốc Quốc gia.
Vạn sự khởi đầu
Theo kế hoạch, ngày 13/11 tới đây, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình sẽ được thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác đoạn từ km210+00 đến km230+700. Là tuyến đường nằm trên trục cao tốc Bắc Nam và là một trong những định hướng lớn để đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng trong quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, nhưng trong suốt thời gian triển khai, tuyến Cầu Giẽ- Ninh Bình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn.
Tại buổi họp báo trước ngày thông xe, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, VEC là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, vừa GPMB vừa thi công, tự làm và tự chịu trách nhiệm từ huy động vốn đến khai thác hoàn vốn. Tuyến đường được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế theo cấp công trình đặc biệt, là dự án đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và xây dựng.
“Cầu Giẽ - Ninh Bình là dự án đầu tiên tại Việt Nam thí điểm áp dụng hình thức mới nhất về đầu tư và huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và trái phiếu công trình của doanh nghiệp, huy động tất cả các nguồn vốn trong xã hội tại thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Vì là dự án thí điểm hình thức và công nghệ mới nhất nên trong quá trình thi công xây dựng, dự án có nhiều nổi bật so với các dự án khác, trong đó những thiết kế hình học phải được làm một cách chi tiết nhất, đặc biệt tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, độ bằng phẳng và độ tạo nhám cũng phải đặc biệt xử lý nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Tất cả các hệ thống thông tin quảng cáo trên cao tốc, sơn kẻ đường, phản quang đều phải làm theo tiêu chuẩn quốc tế” - ông Tuấn Anh khẳng định.
Hoàn thành xây dựng phân đoạn của dự án từ Cầu Giẽ đến QL21, VEC sẽ chính thức tổ chức thông xe kỹ thuật vào sáng 13/11 để khai thác tạm thời nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.
Sẽ thông tuyến vào 2012
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, việc thông xe đoạn từ Cầu Giẽ đến QL21 sẽ là động lực rất lớn để VEC và các nhà thầu tập trung thi công dứt điểm, hoàn thiện nốt đoạn còn lại từ QL21 đến Ninh Bình.
Tuy nhiên, theo ông Sanh, để có thể hoàn thành được toàn tuyến, công tác GPMB và công tác huy động vốn là hết sức quan trọng. Về công tác GPMB, vướng mắc chủ yếu ở đoạn qua tỉnh Nam Định. Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị tỉnh Nam Định giúp đỡ VEC để đẩy mạnh công tác GPMB và bàn giao dứt điểm số mặt bằng còn lại cho VEC và các nhà thầu thi công.
Về vốn hiện nay dự án còn thiếu khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, trong bối cảnh lãi suất cao, phát hành trái phiếu công trình rất khó khăn nên VEC khó có thể thu xếp đủ vốn cho nhà thầu thi công. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét tạm ứng vốn cho VEC để tập trung thi công dứt điểm.
Đây là phương án tối ưu để hoàn thiện nốt dự án, sớm đưa tuyến đường vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, giảm áp lực ùn tắc cho QL1A. Đồng thời nhà đầu tư cũng có thể sớm thu phí để hoàn vốn dự án, sau này khi lãi suất hạ, VEC sẽ tiến hành phát hành trái phiếu công trình trả nợ Ngân sách nhà nước đúng quy định. Nếu mọi việc thuận lợi thì đến 30/6/2012, toàn tuyến từ Cầu Giẽ đến Ninh Bình sẽ được thông xe.
Về công tác thu phí của đoạn tuyến sắp được đưa vào khai thác, ông Mai Tuấn Anh cho biết, VEC có hẳn 1 phương án tài chính cho dự án này và đã trình Chính phủ. Theo đó, để có thể hoàn vốn đầu tư trong vòng 30 năm thì phải thu 2.500 đồng/km/xe, nhưng do khai thác tạm thời nên hiện mức phí được chấp thuận tính theo lượt trên cơ sở quy định của Bộ Tài chính. “Mức thu phí ở Việt Nam hiện tại là quá thấp, so với các nước trên thế giới và khu vực, tiền thu phí không đủ để duy tu bảo dưỡng nên không đảm bảo tuổi thọ đường. Nhưng đối với đường cao tốc hiện đại, chất lượng cao, nếu không thu phí cao thì không thể hoàn vốn và không có tiền để duy tu, bảo dưỡng, vì vậy buộc phải thu phí cao. Ai cũng muốn đi trên một con đường tốt nhất nhưng lại muốn chi phí thấp nhất thì mọi việc khó làm được. Nếu các phương tiện không muốn đi vào đường cao tốc thì vẫn có thể lựa chọn đi trên tuyến QL1 như bình thường” - ông Tuấn Anh khẳng định.
Mức phí đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại buýt vận tải khách công cộng là 30.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có trọng tải trên 2 tấn đến 4 tấn là 35.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ trên 4 tấn đến dưới 10 tấn phải nộp 45.000 đồng/lượt; xe tải có trọng tải trên 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet là 70.000 đồng/lượt; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet phải nộp mức phí là 140.000 đồng/lượt. |
Theo GTVT
|