Nếu chỉ sử dụng
các chính sách tiền tệ, như lãi suất, dự trữ bắt buộc, tỷ giá, thì rất khó kiềm
chế được lạm phát trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Chính
sách tiền tệ phối hợp với các chính sách vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế
giới biến động vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, nếu chỉ sử
dụng chính sách tiền tệ thì việc kiềm chế lạm phát ở mức dưới 2 con số năm 2012
sẽ rất khó thực hiện được.
“Trọng tâm trong
chính sách tiền tệ của chúng ta là chính sách về lãi suất, nhưng chính sách lãi
suất đã ở ngưỡng tối đa, nên không thể tiếp tục mở rộng”, bà Tô Kim Ngọc, Phó
giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định và minh chứng, lãi suất tiền gửi danh
nghĩa của Việt Nam (14%/năm) thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng lãi suất thực
lại thuộc hàng thấp nhất thế giới (âm khoảng 6% do lạm phát), nếu tiếp tục mở
rộng chính sách lãi suất (hạ trần lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi), thì
hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào bất ổn do thiếu thanh khoản.
Theo bà Nguyễn Thị
Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), việc can thiệp
trực tiếp vào thị trường tiền tệ bằng khống chế trần lãi suất huy động, trần
lãi suất cho vay, chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách trong bối cảnh lãi suất
trên thị trường tiền tệ bị đẩy lên quá cao, tác động trực tiếp đến lạm phát và
tăng trưởng kinh tế, vì vậy, trong tương lai gần, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải
nới lỏng và xoá bỏ chính sách này.
“Vấn đề đặt ra là làm
sao để lãi suất vận hành theo đúng quy luật của thị trường. Việc này đòi hỏi
phải thực hiện nhiều giải pháp mạnh trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân
hàng”, bà Hồng nói.
Hiện cả nước có 52
ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng
phi ngân hàng. “Số lượng ngân hàng thương mại của nước ta không chỉ quá lớn so
với quy mô của nền kinh tế, mà còn bất cập vì chưa dám giải thể, phá sản bất cứ
ngân hàng nào. Người dân biết rất rõ điều này, nên tập trung gửi tiền tại những
nhà băng có lãi suất cao, mà không cần biết ‘sức khoẻ’ của nhà băng mà mình gửi
tiền ra sao. Các ngân hàng cũng biết rõ điều này, nên tìm mọi cách nâng lãi
suất huy động”, bà Hồng phát biểu.
Câu hỏi đặt ra là,
cùng chịu tác động của kinh tế thế giới như nhau, vì sao nhiều nước trong khu
vực duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định được lãi suất và kiềm chế
được lạm phát?
Cụ thể, trong 10
tháng đầu năm 2011, tốc độ lạm phát của Indonesia chỉ là 4,61%, trong khi GDP
năm 2011 của nước này ước tăng 6,6 - 6,7%; lãi suất cho vay khá ổn định suốt 10
tháng đầu năm; tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Nền kinh tế Philippines dù
không đạt được kết quả khả quan như Indonesia, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ lạm
phát không cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, nguồn ngoại hối đủ lớn để thanh
toán trước hạn các khoản vay nước ngoài, lãi suất không trở thành gánh nặng đối
với doanh nghiệp và người dân…
Theo ông Iskandar
Simorangkir, Cục trưởng Cục Nghiên cứu Kinh tế (Ngân hàng Trung ương
Indonesia), mỗi quốc gia trong khu vực có cách thức riêng để kiềm chế lạm phát,
nhưng nhìn chung, không quá chú trọng việc thực hiện các chính sách lãi suất.
“Chúng tôi sử dụng
nhiều chính sách tài chính - tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhưng chính sách
quan trọng nhất là phát triển thị trường trái phiếu chính phủ đủ hấp dẫn để thu
hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tính đến tháng 6/2011, Indonesia đã thu hút
27,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài qua kênh trái phiếu chính phủ, gấp 3 lần so với
cuối năm 2010. Số tiền thu được qua phát hành trái phiếu chính phủ đã làm giảm
sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng, qua đó không gây áp lực
đối với lãi suất và lạm phát”, ông Simorangkir cho biết.
Đối với trường hợp
Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khuyến cáo,
trong ngắn hạn và trung hạn, chính sách tiền tệ phải dần chuyển sang áp dụng
các công cụ dựa vào thị trường, thay vì mệnh lệnh hành chính; phát triển và
củng cố thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ; phối
hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.
Theo Baomoi