Bộ GTVT tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định Quỹ Bảo trì đường
bộ đã đề xuất phương án thu trực tiếp theo đầu phương tiện nhưng vẫn còn nhiều
ý kiến băn khoăn.
Trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết nhu cầu vốn cho công tác bảo trì
đường bộ (BTĐB) một năm tính tại thời điểm 31/12/2010 là 12,2 nghìn tỉ đồng
(trong đó QL là 6,7 nghìn tỉ đồng, đường địa phương 5,5 nghìn tỉ đồng)
Với tốc độ trượt giá như hiện nay cùng khối lượng công tác bảo trì hằng năm
nhu cầu vốn sẽ tăng trung bình khoảng 10 - 15%/năm.
Bộ GTVT đã đề xuất lựa chọn phương án thu phí trực tiếp theo đầu phương
tiện bao gồm cả ôtô, môtô, xe máy; xóa bỏ ngay các trạm thu phí thu nộp NSNN.
Trước năm 2015, sẽ xóa bỏ các trạm thu phí thu để trả nợ vay và các trạm
bán quyền thu phí khi kết thúc hợp đồng; giữ nguyên các trạm thu phí hoàn vốn
dự án BOT theo hợp đồng.
Với phương án này, mức phí dự kiến trên một đầu ôtô khoảng 100USD/năm tương
đương 100 đồng/km, còn với xe máy từ 80.000 - 150.000 đồng/năm.
Theo đó, mức thu đối với phương tiện ôtô trong năm đạt trên 4,4 nghìn tỉ
đồng, với xe máy đạt trên 1,5 nghìn tỉ đồng.
Theo tờ Lao động, một điều có thể thấy rõ là với phương án thu qua đầu
phương tiện, Bộ GTVT sẽ dễ dàng thu phí BTĐB theo kiểu thu nhanh và thu một
cục. Thế nhưng phương án này lại có nhiều bất cập.
Ông Đinh Nam Dinh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho biết: Hiệp hội
đã nhiều lần đề nghị thu phí qua xăng dầu để đảm bảo công bằng. Ông Dinh khẳng
định: “Chỉ có thu phí qua xăng dầu mới đảm bảo nguyên tắc người có phương tiện
sử dụng đường bộ nhiều phải đóng phí nhiều, người có phương tiện sử dụng đường
bộ ít đóng phí ít”.
Trong thực tế, cùng sử dụng phương tiện nhưng nhu cầu đi lại của người dân
thành thị so với người dân nông thôn, miền núi lại khác nhau. Sẽ là không công
bằng nếu đóng phí theo kiểu “bổ đầu” và cào bằng cho nhiều đối tượng sử dụng
đường bộ nhiều ít và chất lượng khác nhau.
Theo Baomoi