|
Châu Á-Thái Bình
Dương đang được xem là một trong những trung tâm phát triển của kinh tế thế
giới. Việt Nam có thể tận dụng xu thế dịch chuyển đầu tư, mở rộng phân công lao
động quốc tế trong khu vực để nâng cao vai trò của mình trong chuỗi giá trị
toàn cầu; tận dụng lợi thế là địa bàn trung chuyển của khu vực, đặc biệt là
Hồng Kông và Singapore, để xuất khẩu ra thế giới.
Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) đã, đang và sẽ
tiếp tục giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các khu vực thị trường nước ngoài
của Việt Nam. Quan hệ thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực CA-TBD
tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngoại thương của
Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với
khu vực CA-TBD đạt 91,6 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2010, chiếm tỷ
trọng 62,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
CA-TBD cũng là khu vực dẫn đầu về số lượng vốn đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam. Tính đến tháng 10/2011, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng
vốn đầu tư đăng ký lớn nhất thế giới đều nằm trong khu vực CA-TBD. Dẫn đầu là
Hàn Quốc với 23,5 tỷ USD, tiếp theo là Đài Loan 23,4 tỷ USD, Singapore 23,3 tỷ
USD, Nhật Bản 22,4 tỷ USD và Malaysia 19,1 tỷ USD. Ngoài ra, đây cũng là khu
vực có vai trò quan trọng, gần gũi với Việt Nam về mặt địa lý, văn hóa.
Khu vực phát triển kinh tế năng
động nhất
CA-TBD, một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động
nhất thế giới. Trong khi nhiều nền kinh tế ở các khu vực khác đang phải đối mặt
với những thách thức như khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế, CA-TBD vẫn
duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
CA-TBD đang xây dựng và phát triển nhiều khuôn khổ hợp tác
trong đó có ASEAN là trung tâm. Cùng với các nước thành viên ASEAN khác, Việt
Nam đang hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở 3 trụ cột: chính
trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Các thành viên ASEAN tăng cường, phát
triển mối quan hệ với các đối tác trong khu vực bằng việc ký kết, thực thi các
Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu Di lân,
Ấn Độ và tiếp tục nghiên cứu khả năng ký kết với các đối tác khác. Nhiều khuôn
khổ hợp tác tiểu vùng cũng đang được thúc đẩy như: ACMECS, CLMV, CLV, GMS...
Những khuôn khổ hợp tác này đã và đang góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh
tế, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực, giúp Việt Nam hội
nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Xuất khẩu bền vững
Hiện nay, ngoài Lào, các nền kinh tế trong khu vực CA-TBD đều
là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khuôn khổ này, các
nước một mặt thực thi các cam kết, giám sát việc thực thi các cam kết của nhau,
mặt khác tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường. Tuy nhiên, trước những bế tắc của
vòng đàm phán Đô-ha, các nước đang chuyển hướng sang các hiệp định thương mại
tự do khu vực và song phương. Thông qua các hiệp định thương mại, thuế quan và
các hàng rào phi thuế quan đã được cắt giảm mạnh so với việc không có các hiệp
định này.
Song song với các nỗ lực tự do hóa thương mại, xu hướng bảo
hộ mậu dịch bằng các biện pháp phi quan thuế ngày càng phát triển. Với trình độ
khoa học, kỹ thuật tiên tiến, vượt trội so với các nước đang phát triển, các
nước phát triển tiếp tục bảo vệ thị trường nội địa bằng biện pháp tinh vi, đa
dạng, gây khó khăn cho xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông-thủy-hải sản vốn
là thế mạnh của các nước đang phát triển. Đây là điều mà chúng ta phải đấu
tranh, song cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất
trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam được định hướng xuất khẩu nhưng vẫn đang
từng bước xây dựng, phát triển nền công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, tiềm năng xuất
khẩu chưa được khai thác hết, trong khi vẫn bắt buộc phải nhập khẩu nhiều
nguyên vật liệu, trang thiết bị, công nghệ từ nước ngoài để phục vụ sản xuất
trong nước.
Để thực hiện các mục tiêu trên, có thể thực hiện các nhóm
giải pháp, như tăng cường, nâng cao hiệu quả các chương trình xúc tiến thương
mại; xử lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; lồng ghép các nội dung thiết
thực trong các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao, trong các hoạt động quảng
bá lớn về Việt Nam tại nước ngoài, nhằm xúc tiến thương mại và công nghiệp; sớm
đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng các thủ tục liên quan đến xuất khẩu với các
nước có chung đường biên giới...
7 giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng
hóa Việt Nam
Thứ
nhất, khẩn trương đẩy mạnh phát triển
các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là với các ngành hàng xuất khẩu chủ
lực.
Thứ
hai, có chính sách tạo điều kiện cho
các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án sản xuất lớn của CA-TBD tại
Việt Nam.
Thứ
ba, khuyến khích việc tạo lập mối
liên kết chặt chẽ giữa các tập đoàn phân phối lớn với các nhà sản xuất trong
nước.
Thứ
tư, tăng cường phát triển các ngành
sản xuất, dịch vụ; thông thoáng hơn với đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy
mạnh “xuất khẩu tại chỗ”.
Thứ
năm, khẩn trương xây dựng các biện
pháp kỹ thuật, hoàn thiện chính sách quản lý nhập khẩu; áp dụng linh hoạt các
rào cản kỹ thuật, bảo vệ sản xuất trong nước trước những hành vi cạnh tranh
không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Thứ
sáu, có chính sách quản lý nhập khẩu
qua đường biên mậu tốt hơn; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận
thương mại.
Thứ
bảy, xây dựng chính sách tỷ giá hối
đoái linh hoạt, để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế một phần nhập khẩu hàng hóa
từ các nước.
|
Theo BaoMoi
|