Dù có nhiều ý kiến lo ngại mùa kiều hối năm nay sẽ “thất bát” nhưng thực
tế tiền vẫn về nhiều. Chỉ riêng tại TP.HCM, lượng kiều hối hiện đạt khoảng 5 tỉ
USD. Ước cả năm 2011 kiều hối về VN đạt 8,5-9 tỉ USD.
Kiều hối về VN trong những năm gần đây
Theo các công ty kiều hối, chính sách thắt chặt tín dụng với
bất động sản, chứng khoán và khống chế trần lãi suất USD đã khiến các món tiền gửi
lớn với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất
trợ cấp sinh hoạt.
Tăng trên 20%
Ông Trịnh Hoài Nam, phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cho
biết dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng doanh số kiều hối của công ty trong
10 tháng đầu năm đã đạt 1,3 tỉ USD, và có khả năng đến hết tháng 12 sẽ đạt 1,6
tỉ USD, tăng 20% so với năm ngoái.
Tại Công ty kiều hối Sacomrex, doanh số chuyển tiền kiều hối
năm 2011 ước đạt 1,65 tỉ USD, tăng 25% so với năm ngoái và vượt gần 20% kế
hoạch. Theo lãnh đạo Công ty kiều hối Sacomrex, mặc dù số lượt gửi có xu hướng
tăng nhưng giá trị món tiền giảm. Trước đây các khoản tiền gửi có giá trị lớn
mang tính chất đầu tư khá nhiều. Còn hiện nay phổ biến chỉ 300-400 USD/lần. Để
cạnh tranh, các công ty kiều hối phải lấy số lượng bù chất lượng, chú trọng đầu
tư vào thị trường đang có thế mạnh, tăng thêm tiện ích cho đối tác, đồng thời
rút ngắn tối đa thời gian chuyển tiền.
Công ty kiều hối Sacomrex chú trọng khai thác thị trường Mỹ,
Úc, Canada. Hiện nay phần lớn công ty kiều hối do người Việt làm chủ tại các
thị trường trên đã trở thành đối tác của Sacomrex do công ty này có lợi thế
ngân hàng mẹ là Sacombank có mạng lưới rộng ở thị trường VN, Lào, Campuchia. Do
vậy ký hợp đồng chuyển tiền với Sacomrex, các đơn vị này không chỉ chuyển tiền
từ nước ngoài về VN mà còn có thể chuyển tiền về cả thị trường Đông Dương.
Ông Trần Văn Trung, giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, nhận
định khó khăn kinh tế chung đã tác động nhất định đến nguồn tiền chuyển về VN,
đặc biệt những khoản tiền gửi mang tính chất đầu tư. Những thị trường kiều hối
chính của công ty vẫn là Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, bên cạnh đó công ty vẫn cố
gắng duy trì doanh số ở những thị trường xuất khẩu lao động như Đài Loan, Hàn
Quốc, Nhật Bản.
“Dự báo kiều hối về VN năm 2011 gần 9 tỉ USD, so với con số 8
tỉ USD/năm 2010 mức tăng này không phải quá mạnh. Qua đó có thể thấy được doanh
số kiều hối chuyển về VN phần nào bị ảnh hưởng từ những món tiền ngoài mục đích
trợ cấp sinh hoạt”, ông Trịnh Hoài Nam nói.
Khai thác thị trường xuất khẩu lao động
Bên cạnh thị trường truyền thống, các đơn vị chi trả kiều hối
đã khai thác nguồn kiều hối mới, đích nhắm là những người VN đi xuất khẩu lao
động.
Bà Drina Yue, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành
Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết với khoảng 4 triệu
người đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên
thế giới, VN nằm trong số 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Trái
ngược với tình hình suy thoái kinh tế, lượng kiều hối do Western Union nhận ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 11%. Riêng tại VN kiều hối ổn định hơn
một số nước trong khu vực vì công dân VN ở nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc
chăm chỉ để duy trì nguồn tài chính chuyển về cho gia đình.
Kiều hối chảy ra tiệm vàng
Nhiều ngân hàng cho biết rất tích
cực thu hút nguồn kiều hối vào ngân hàng thông qua các hình thức tích điểm,
tặng quà... nhưng không nhiều người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân
hàng. Đại diện Công ty kiều hối Sacomrex cho biết số người muốn nhận kiều hối
bằng ngoại tệ cao hay thấp tùy theo tỉ giá, nếu tỉ giá tại thị trường tự do
cao hơn của ngân hàng thì họ có xu hướng nhận ngoại tệ và ngược lại. Theo các
ngân hàng, những ngày gần đây USD tự do nhích lên, hiện chênh khoảng 200-300
đồng/USD so với giá niêm yết tại ngân hàng nên người dân thích bán USD cho
tiệm vàng.
|
Theo bà Nguyễn Thị Như Lý, giám đốc khu vực Đông Dương của
Western Union, một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về VN là của đối
tượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài
Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Hiện nay có hơn 400.000 lao động VN đang
làm việc ở nước ngoài.
“Kiều hối về VN thời gian qua chủ yếu chảy về khu vực nông
thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều lao động xuất khẩu”, bà Lý nhận định.
Trước đây, chủ yếu tiền gửi về để thăm hỏi người thân, nhưng hiện nay ngày càng
nhiều người gửi tiền về để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển và hỗ trợ nhân
đạo.
Ngoài ra, kiều hối về VN ngày càng được mở rộng từ nhiều
nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào VN, kiều hối chuyển về VN qua kênh Western
Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và
vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người chuyển tiền về VN qua
kênh chính thức.
Ông Ngô Xuân Hải, trưởng phòng kinh doanh dịch vụ chuyển tiền
và kiều hối Ngân hàng Vietinbank (đơn vị có doanh số kiều hối năm 2011 đạt
khoảng 1,3 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010), khẳng định ngoài mục đích trợ
cấp cho thân nhân, nhiều người còn chuyển tiền về VN làm ăn.
“Hiện nay việc làm ăn, đầu tư kinh doanh ở một số nước như
Nga, châu Âu cực kỳ khó khăn nên nhiều người muốn chuyển vốn về nước làm ăn đầu
tư. Ngân hàng vẫn chuyển những món tiền trị giá vài trăm nghìn USD. Những món
tiền đó chắc chắn không phải để trợ cấp sinh hoạt”, ông Hải nói.
Theo TTO