Thách thức lớn cho các doanh nghiệp logistics khi
lĩnh vực dịch vụ vận tải biển và logistics sẽ được mở cửa hoàn toàn vào năm
2014.
Để phát triển hoạt động hậu cần
(logistics), đầu tiên là phải xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cảng
biển và hệ thống cảng biển. Song đây lại là thách thức với nhiều doanh nghiệp
(DN) logistic, nhất là các DN cung ứng dịch vụ cảng biển, trong đó có DN Hải
Phòng.
Trước hết, luồng tàu bị bồi lắng không
đạt tiêu chuẩn thiết kế, tàu ra khó khăn phải chuyển tải, gây thiệt hại lớn về
kinh tế và mất an toàn hàng hải. Luồng tàu không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến uy
tín của hệ thống cảng biển Hải Phòng, về lâu dài sẽ tạo tác động tới sự lựa
chọn của các nhà xuất nhập khẩu.
Sau nữa, hệ thống giao thông sau cảng
thiếu đồng bộ và tổ chức vận tải không hợp lý, với cơ cấu vận tải sau thông
quan là 79% lượng hàng qua cảng thực hiện bằng đường bộ, 18% bằng đường sông và
3% bằng đường sắt đã khiến thường xuyên ùn tắc giao thông. Chậm trễ trong giải phóng
tàu khiến các tàu bị phạt vì chậm xếp dỡ hàng, hệ thống kho bãi bị ùn tắc.
Cùng với hai khó khăn về cơ sở hạ tầng
là những hạn chế về nội lực của chính các DN logistics trên địa bàn. Theo Hiệp
hội Kho vận Việt Nam, dù có có số DN đứng thứ 2 cả nước, nhưng các DN logistics
Hải Phòng thường tự phát, manh mún, cạnh tranh chưa lành mạnh và phần lớn làm
thuê cho các DN nước ngoài.
TS. Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Hàng hải
Việt Nam nhận xét: “Hầu hết các DN Hải Phòng có quy mô rất nhỏ, trung bình từ
10 đến 30 nhân viên, thậm chí có công ty từ 5 đến 10 nhân viên, dịch vụ cung
ứng chủ yếu là mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai quan và dịch vụ
vận tải, chưa có khả năng vươn tới dịch vụ khép kín phục vụ khách hàng.”
Theo quy định, dịch vụ logistics là hoạt
động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc
bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ
tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, giao hàng
hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng
để hưởng thù lao. Rõ ràng, so với khái niệm này, logistics Hải Phòng còn rất
nhiều việc phải làm.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh
Điền đã nhận định: “Logistics hiện là khâu yếu của Hải Phòng và chưa DN nào có
hoạt động đúng nghĩa với logistics”. Ông Trần Anh Giang, Phó giám đốc điều hành
Công ty TNHH Vận tải và Tiếp vận Toàn cầu thì lo ngại: “Năm 2014, theo cam kết
gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics.
Đây sẽ là thách thức lớn cho các DN logistics. Nếu không đầu tư để phát triển,
họ sẽ mãi làm thuê cho các doanh nhân nước ngoài”. Theo ông Giang, điều kiện
tiên quyết đối với các DN logistics hiện nay là phải có một nguồn nhân lực chất
lượng, để cùng với các giải pháp bổ sung nguồn vốn, thiết bị, công nghệ, các DN
logistics mới vượt ra khỏi “đẳng cấp” hiện nay.
Ông Điền cho biết, thời gian tới, Hải
Phòng sẽ đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển đồng bộ các hoạt động logistics.
“Cùng với đó sẽ là đầu tư phát triển hạ tầng tiện ích cung cấp điện, nước, tăng
cường đào tạo nguồn nhân lực…, khai thác đầy đủ tiềm năng, lợi thế, góp phần
xây dựng hình ảnh một Hải Phòng năng động”, ông Dương Anh Điền nói.
Theo BaoMoi