Năm 2011 đang dần khép lại bằng nhiều kỷ lục mới và những
diễn biến tích cực cả ở góc độ giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu có xu hướng
tăng lên, lẫn nhập siêu trên đà giảm xuống.
Phải chăng, thế giới càng khó khăn thì hoạt động xuất nhập
khẩu của Việt Nam càng được hưởng lợi? Dù chưa thể khẳng định được điều “tréo
ngoe” này, nhưng thực tế diễn biến ngoại thương Việt Nam trong hai năm khó khăn
vừa qua với những con số sống động là điều không thể chối bỏ. Chúng tôi xin
điểm lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của ngoại thương Việt Nam trong năm qua.
1. Tăng trưởng trong khó khăn
Nhưng ngay đầu năm 2011, ngành công thương lại nhìn nhận tình
hình thương mại quốc tế sẽ không dễ dàng như trước. Hội nghị ngành này lúc đó
cho rằng, các quốc gia đang từng bước chuyển đổi cơ cấu và xu hướng sẽ là cân
bằng lại thị trường trong nước và ngoài nước, đặc biệt với những thị trường
dung lượng lớn.
Hoa kỳ, EU, Nhật Bản, những thị trường xuất khẩu chủ lực của
Việt Nam đều được dự báo sẽ khó khăn hơn trong tăng trưởng. Cho nên, xuất hiện
sự hồ nghi khả năng không đạt được mức tăng trưởng kim ngạch trên 20% trong năm
trước đó.
Năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng 11, mục
tiêu tăng trưởng xuất, nhập khẩu đề ra chỉ ở mức khá khiêm tốn xuất khẩu tăng
khoảng 10% so với thực hiện năm trước. Nhưng, thực tế đã không diễn ra như vậy.
Số liệu chốt cho tới thời điểm này được Vụ trưởng Vụ Thương
mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị Minh Thủy thông tin với VnEconomy, tổng
kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tính đã vượt 96 tỷ USD, tăng khoảng 33% so với
năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 106 tỷ USD, tăng tương ứng khoảng 25%.
2. Vị thế đối tác thương mại mới
Nhìn lại trong 12 tháng qua, về cơ bản kim ngạch xuất, nhập
khẩu không có tháng nào quá đuối, trừ tháng 2 do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.
Sau một chuỗi các tháng cuối năm 2010 kim ngạch xuất, nhập
khẩu duy trì ổn định ở mức 6 tỷ và 7 tỷ USD đã là khá cao so với trước, sang
năm 2011, ngoại thương Việt Nam tiến thêm một bước dài. Dung lượng thị trường
xuất khẩu đã cố định được ở mức từ 7,2-9,3 tỷ USD/tháng; trong khi nhập khẩu
kéo từ mức 8,2-9,6 tỷ USD/tháng, suốt giai đoạn từ tháng 3 cho đến tận cuối
năm.
Một vài biểu hiện “ngúng nguẩy” từ đối tác lớn như trường hợp
gạo Việt bị thương nhân Philippines “bắt bí”, hay dệt may đuối hơn vào cuối
năm, vàng “khuynh đảo” cả hai chiều thương mại… chưa dễ làm thay đổi vị thế
ngoại thương vẫn đang liên tục tăng trưởng và mở rộng mấy năm gần đây.
Năm 2011 khép lại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt
mức 200 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP năm trước đó. Kết quả là Việt Nam đã “qua
mặt” Philippines để giữ vị trí thứ 5 về xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam
Á, chỉ còn xếp sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
3. Nhập siêu có xu hướng giảm
Trong một cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây, Phó thủ tướng
Hoàng Trung Hải khi đề cập đến con số nhập siêu giảm trong năm nay có nói vui
về một thứ trưởng, khi đó, ông Hải dùng từ “lắm chiêu” để khen cho Bộ Công
Thương hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vị thứ trưởng nọ khi đó chỉ cười, nhưng
những gì mà con số nhập siêu thể hiện đã cho thấy nỗ lực của ngành này.
Bởi lẽ, sau hai năm liền ở trạng thái thâm hụt cán cân thanh
toán tổng thể, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị “thổi bay” nhiều tỷ USD.
Tính đến quý 1/2011, con số chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dự
trữ ngoại hối chỉ còn tương đương khoảng 3,5 tuần nhập khẩu. Gánh vác việc cân
bằng lại thu - chi ngoại tệ của quốc gia, Bộ Công Thương là điểm đột phá đầu
tiên.
Cũng giống như 2009, năm nay trạng thái ngoại thương của Việt
Nam có rất nhiều đột biến, đặc biệt là trong quý 3. Ở giai đoạn này, cán cân
thương mại biến động dữ dội giữa các mốc xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong tháng
7, sang nhập siêu trên 1,5 tỷ USD của tháng 9.
Tuy nhiên, về tổng thể, nhập siêu đã được kiểm soát tốt hơn,
với con số ước tính trong năm khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều năm 2010 (nhập
siêu 12,6 tỷ USD) và 2009 (12,85 tỷ USD). Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất
khẩu giảm xuống 10,4% trong năm nay, thay vì 17,5% trong năm 2010.
Theo thông tin chính thức, cán cân thanh toán tổng thể của
Việt Nam trong năm nay ước tính tăng khoảng 2,5-3 tỷ USD và dự trữ ngoại hối
cũng đã tăng lên, tương ứng bằng khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý 3 năm nay.
4. Cơ cấu xuất nhập khẩu ít thay đổi
Nhưng những lưu ý của Bộ Công Thương về các hạn chế trong cơ
cấu hàng xuất nhập khẩu lâu nay, trong năm 2011 chưa được cải thiện nhiều. Về
cơ bản, Việt Nam vẫn ở tình trạng nhập lớn nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên
liệu gia công sản xuất các ngành như dệt may, da giày, linh kiện điện tử... thể
hiện tính gia công và phụ thuộc bên ngoài của sản xuất trong nước.
Về nhập khẩu, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết
bị, phụ tùng ước đạt kim ngạch 87,6 tỷ USD trong năm nay, tăng 22,5% so với năm
2010, dù tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu đã giảm khoảng 1,7% nhưng vẫn
chiếm tới 82,6% kim ngạch nhập khẩu.
Với các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, thị trường nhập
khẩu chủ yếu vẫn là châu Á - Thái Bình Dương nên nhiều lo ngại lâu nay về xu
hướng tăng nhập khẩu công nghệ trung gian chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, xuất khẩu tăng về tỷ trọng hàng công nghiệp chế
biến nhưng chủ yếu là gia công, với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến
tăng từ 59,6% trong năm 2010 lên 60,2%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng
tăng nhẹ tỷ trọng từ 11,2% lên 11,7%. Riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm
từ 21,2% xuống 20,3%.
5. Tăng giá xuất nhập khẩu: Công và “tội”
Đóng góp vào mức tăng mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay,
yếu tố giá thể hiện ở tất cả các mặt hàng có tính được về lượng.
Ngoài gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than được hưởng lợi nhờ
giá thị trường thế giới tăng mạnh, một số mặt hàng khác là do hàm lượng chế
biến trong sản phẩm xuất khẩu được nâng lên như thủy sản, hàng dệt may, sản
phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây và cáp điện...
Trong khoảng 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn năm
ngoái, đóng góp của nhân tố tăng giá chiếm 7,2 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản,
thủy sản tăng thêm được khoảng 3,3 tỷ USD, nhóm nhiên liệu khoáng sản khoảng
2,8 tỷ USD, nhóm công nghiệp chế biến khoảng 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng cũng tăng rất mạnh,
ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh trong nước.
6. Điều chỉnh lớn với đối tác
Trong dòng chảy chung của tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay,
đã xuất hiện hai xu hướng tích cực được điều chỉnh về phía các đối tác thương
mại của Việt Nam rất đáng ghi nhận trong năm nay. Thứ nhất là việc tiếp cận sâu
hơn đối với các thị trường mới ở khu vực châu Phi. Thứ hai là cân bằng hơn đối
với các đối tác thương mại chính.
Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Phi của Việt Nam mới
ở mức khoảng 3,1 tỷ USD trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã lên tới
131%, riêng Nam Phi tăng 250%. New Zealand cũng nằm trong số các thị trường
xuất khẩu mới của Việt Nam, có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao tới 29%.
Trong khi đó, tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta
đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao hơn bình quân chung. Các ví dụ điển
hình là xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng tới 64% trong khi nhập khẩu tăng 34%; sang
Trung Quốc tăng 58% trong khi chiều ngược lại tăng 21%; Nhật Bản tăng 37% và
14%; EU là 48% và 18%...
7. Lại biến động do vàng
Hai động thái ngược chiều của Ngân hàng Nhà nước trong năm
nay: để cho doanh nghiệp “thả phanh” xuất vàng, và nhanh chóng cấp quota nhập
khẩu, đã tạo nên hình thái biến động rất lớn cho một giai đoạn giá vàng “điên
đảo” cán cân thương mại.
Đột biến xuất siêu lớn đến xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong
tháng 7, rồi nhanh chóng trở lại nhập siêu tới trên 1,5 tỷ USD trong tháng 9,
dòng ngoại tệ vào ra lớn gắn với dấu hỏi về “chảy máu” vàng trong năm nay.
Ở thị trường trong nước, giá vàng có điều chỉnh rất lớn, chỉ
số giá vàng bình quân trong năm nay tăng 39% so với năm 2010. Trên thị trường,
nhiều thời điểm giá mua vào và bán ra chênh lệch tới 4-5 triệu đồng/lượng là
điều kiện để kim loại quý này xuất ngoại, hoặc nhập vào trong nước, tạo kênh
kinh doanh siêu lợi nhuận cho giới đầu cơ.
Tính đến cuối tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu trên 2,6 tỷ USD
kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, trong khi nhập khẩu tương ứng
gần 2,2 tỷ USD.
8. Năm của nhiều chính sách kiểm soát nhập siêu
Ngày 9/2, Tổng cục Hải quan đã ban hành “Tuyên ngôn phục vụ
khách hàng” với những cam kết trước cộng đồng xã hội về việc đảm bảo tính
chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước về hải quan đối với
các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, trong một năm mà nhiệm vụ kiểm soát nhập siêu đặt
trên vai “người gác cửa” của thị trường Việt Nam này, nhiều chính sách vẫn
hướng vào việc khuyến khích xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Ngày 23/5, Tổng cục Hải quan đã bổ sung 7 nhóm hàng vào danh
mục quản lý rủi ro cần kiểm tra về giá tính thuế và sửa đổi, bổ sung mức giá
mặt hàng xe ôtô, xe hai bánh gắn máy. Còn kể từ ngày 1/6, các mặt hàng rượu, mỹ
phẩm, điện thoại di động (trừ hành lý mang theo người của khách nhập cảnh) chỉ
được làm thủ tục nhập khẩu, thông quan tại ba cảng biển quốc tế là Hải Phòng,
Đà Nẵng và Tp.HCM.
Trong khi đó, ngày 19/7, Tổng cục Hải quan công nhận 9 doanh
nghiệp được ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan, thuốc các lĩnh vực xuất
khẩu thủy sản, xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà phê và kinh doanh dầu khí…
Kết quả về cuối năm là kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần
hạn chế (hàng tiêu dùng, ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe máy) tăng 2,5%, thấp hơn
nhiều so với mức tăng trưởng chung 25%. Tỷ trọng của nhóm này trong kim ngạch
nhập khẩu cũng giảm khoảng 1 điểm phần trăm, xuống mức 5,8%.
9. Ngoại thương tác động mạnh đến thị trường ngoại hối
Như đã nói ở phần đầu, nhập siêu trên 12,6 tỷ USD trong năm
2010, với 3 tháng cuối cùng liên tục vượt 1 tỷ USD đã tạo sức ép lớn đến thị
trường ngoại hối. Chênh lệch quá lớn giữa thị trường chính thức và chợ đen, dự
trữ ngoại hối thâm thủng nặng nề, đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá đồng
nội tệ.
Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng giá USD/VND
tới 9,3%, mức lớn nhất trong ghi nhận mấy năm gần đây, cùng với đó là thu hẹp
biên độ xuống mức +/-1%.
Nhưng “điềm báo” đầu năm ấy đã không thể hiện xu hướng cho cả
một năm. Dù vẫn có nhiều thời điểm thăng trầm, nhưng về cơ bản, thị trường
ngoại hối tương đối ổn định trong năm nay. Chỉ số giá USD bình quân chỉ tăng
8,47%, mức tăng của tháng 12/2011 so với cùng kỳ năm trước lại chỉ có 2,24%.
Tác động ngược lại đến hoạt động ngoại quan, ước tính nguyên
nhân điều chỉnh tỷ giá đã làm cho thu hải quan năm nay tăng khoảng 5 nghìn tỷ
đồng.
10. Điện thoại di động tạo đột biến
Vào tháng 6 năm nay, biểu thống kê tình hình xuất nhập khẩu
của Tổng cục Hải quan xuất hiện thêm 4 nhóm hàng xuất khẩu và 5 nhóm hàng nhập
khẩu. Trong số những “anh hào” mới gia nhập do chiếm tỷ trọng ngày càng cao
trong kim ngạch xuất nhập khẩu, nổi lên là điện thoại di động.
Tháng đầu “trình làng”, nhóm điện thoại các loại và linh kiện
mới đạt kim ngạch 405 triệu USD. Nhưng sau khi Samsung đưa dây chuyền sản xuất
điện thoại di động thứ hai vào hoạt động tháng 9/2011, ngay tháng kế tiếp, nhóm
hàng này đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong thống kê hải quan.
Đến cuối năm nay, ước tính mặt hàng điện thoại di động sẽ đạt
kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD, tăng trưởng 257% so với năm ngoái và vươn lên
vị trí thứ 2 về xuất khẩu, chỉ sau mặt hàng dệt may. Nhóm hàng này cũng duy trì
mức xuất siêu rất lớn, ước tính khoảng 4 tỷ USD trong năm nay.
Theo INFOTV