EU và Mỹ sẽ là thị trường khó tính trong năm tới đối với thực
phẩm và nông sản Việt Nam.
Hội nghị Tham tán thương mại năm 2011 diễn ra hôm qua, tại
TPHCM với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam.
Hội nghị nhìn nhận, tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc năm 2011
còn có đóng góp rất lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa
phương. Nếu các DN khai thác tốt hơn nữa việc ưu đãi thuế quan từ các hiệp
định, chắc chắn hàng VN sẽ có cơ hội hiện diện nhiều hơn tại thị trường các
nước.
Đại sứ VN tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn chứng minh, từ khi FTA
giữa ASEAN – Hàn Quốc được ký kết, cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc ngày
càng được kéo giảm, nhiều mặt hàng nông sản của VN như gạo, bột mì, trái cây,
rau củ quả,... đã bắt đầu vào thị trường này.
FTA Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là đem lại nhiều lợi
ích nhất cho xuất khẩu của VN kể từ trước tới nay, với mức cam kết cắt giảm 76%
dòng thuế vào năm 2019 và 92% vào năm 2025.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Trung – Tham tán VN tại
Nhật Bản, khi chưa có FTA thì mức thuế bình quân là 5,4% nhưng nay chỉ còn hơn
1%. Nhờ cạnh tranh tốt về giá từ việc giảm thuế nên xuất khẩu nông sản, thủy
sản, đồ gỗ, dệt may và các mặt hàng chế biến khác đã đạt tốc độ tăng trưởng cao
và bền vững.
Mức độ cam kết mở cửa mạnh của VN được ghi nhận qua các con
số về xuất nhập khẩu và tỷ trọng cao trong GDP: Năm 2006, tỷ trọng XNK trên GDP
là 139%, năm 2007 là 156% và 2011 là 170%. Do đó, tăng trưởng kinh tế của VN
phụ thuộc rất lớn vào hội nhập kinh tế quốc tế từ lợi thế của các FTA mang lại.
Còn theo báo cáo của các chuyên gia nước ngoài trong dự án hỗ
trợ VN gia nhập WTO, nếu thực hiện một phần các cam kết FTA đã ký, GDP của VN
có thể tăng thêm 1,6 tỷ USD, tương đương 3% và nếu thực hiện đầy đủ GDP tăng
thêm 2,4 tỷ USD, tương đương 6%. Lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế là rất
lớn nhưng thực tế cho thấy, nếu không chuẩn bị tốt, lợi ích thu được sẽ rất hạn
chế.
Chủ động vượt rào cản
Tham tán thương mại VN tại EU, ông Trần Công Thực cho biết,
năm 2011 kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng 48%, nhiều mặt hàng thuỷ sản, nông
sản, dệt may, da giày, hàng linh kiện điện tử, máy tính,…đã được bạn hàng châu
Âu chấp nhận.
Tuy nhiên, theo ông Thực, năm 2012 EU sẽ thay đổi một số
chính sách liên quan vấn đề ưu đãi cho các nước đang phát triển, thay vì họ quy
định cho những nhóm hàng thì nay có thể quy định thị phần hoặc chia nhỏ số
lượng hàng xuất khẩu của từng quốc gia vào EU. Nhiều khả năng một số mặt hàng
của VN sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi trước đây. Kiểm dịch động
thực vật sẽ trở nên gay gắt hơn.
Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Thực lo lắng nhất hiện nay chính
là EU đã và đang thực hiện thêm một số rào cản mang cảm tính nhiều hơn, hoặc sử
dụng truyền thông để bôi xấu sản phẩm VN! Mặt khác, EU cũng đang dự thảo về quy
định dán nhãn mác vào sản phẩm nên buộc các DN cần nghiên cứu kỹ hơn về các
luật lệ thì mới có thể tăng lượng hàng xuất khẩu vào EU.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng nhìn nhận,
EU là thị trường đáng quan ngại nhất trong năm 2012 vì những tranh chấp về đồng
tiền chung – riêng và từ nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, chỉ riêng mặt hàng gạo,
trước đây chúng ta không quan tâm đến thị trường vì thiếu gạo để xuất khẩu,
nhưng nay tình hình đã khác.
Giá gạo xuất khẩu đang trên đà giảm là do Ấn Độ và Myanmar
bán rẻ hơn vào EU. Theo đó, EU có cam kết với một số nước trong việc nhập khẩu
gạo từ Thái Lan, Campuchia nhưng lại chưa ký kết với VN. “Những biểu hiện gần
đây cho thấy, hàng hoá của VN xuất khẩu đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh
từ các nước trong khu vực ngay tại EU”- Thứ trưởng nói.
Trong khi đó, ông Đào Trần Nhân - Tham tán thương mại tại Hoa
Kỳ cho biết, nước này đang thực hiện đạo luật hiện đại hoá an toàn vệ sinh thực
phẩm với mức chi phí dự kiến là 30 triệu USD để triển khai. Với đạo luật mới
này, ông Nhân khuyến cáo các DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm phải đầu tư,
nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp đạo luật mới thì mới tránh nguy cơ
bị tiêu huỷ hoặc trả về.
Ngay từ bây giờ phải lên kế hoạch lưu trữ của các lô hàng để
đáp ứng đạo luật. Phải rà soát lại hệ thống các nhà xưởng sản xuất của mình.
Theo INFOTV