|
Kết
thúc năm 2011, ngành lúa gạo Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc
chiếm lĩnh thị trường gạo thế giới với sản lượng gạo xuất khẩu đạt trên 7 triệu
tấn, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan(8,5 triệu tấn). Tuy nhiên, bước
sang năm 2012 ngành lúa gạo Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn từ phía các
thị trường.
- Đối
mặt với nhiều thách thức
Trong
suốt năm 2011, dù gặp nhiều diễn biến trái chiều nhưng sản lượng và kim ngạch
xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Giá gạo xuất
khẩu bình quân của Việt Nam đạt 495 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm
ngoái. Khoảng cách về giá một số loại gạo chủ yếu xuất khẩu của nước ta so với
gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan chẳng những đã được san bằng, thậm chí có những
thời điểm còn cao hơn từ 1-6 USD/tấn. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ,
khẳng định vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy
nhiên, theo nhận định của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), bước sang năm
2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhất là
trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh gay gắt với gạo của Ấn Độ, Pakistan và cả
Myanmar. Hiện, gạo Ấn Độ đang bán rẻ hơn gạo Việt Nam 100 USD/tấn, do đó những
hợp đồng thương mại mà DN Việt Nam ký với các nước châu Phi đang bị gạo giá rẻ
của Ấn Độ cạnh tranh gay gắt. Ngay cả một số thị trường truyền thống của Việt
Nam như Philippines, Indonesia… cũng bị Pakistan và Myanmar xúc tiến thâm nhập.
Bên cạnh đó, mặc dù bị lũ lụt, nhưng theo ước tính, lượng gạo hiện đang được
Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp dự trữ vẫn ở mức khoảng 5 triệu tấn.
Trong
khi đó, dù chúng ta có nhiều cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị
trường thế giới nhưng trong 5 năm tới, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến
chỉ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn/năm. Đó là chưa kể, tới khoảng 70% lượng gạo
xuất khẩu của Việt Nam là gạo 25% tấm (tức loại phẩm cấp thấp), gạo 5% tấm hiện
vẫn chưa sánh được với gạo Thái, trong khi gạo phẩm cấp thấp thì mất dần thị
trường do gạo Ấn Độ và Myanmar cạnh tranh. Do đó, chúng ta không thể vượt qua
Thái Lan dù dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan giảm sút, trừ khi lượng gạo xuất khẩu
của nước này xuống dưới mức 7 triệu tấn/năm. Đặc biệt, thương mại gạo chịu tác
động của nhiều yếu tố như: lượng tồn kho thế giới, thiên tai mất mùa làm mất
cân đối cục bộ; biến động tiền tệ và lạm phát giá lương thực; tác động của
chính sách lương thực ở các nước xuất và nhập khẩu lớn, nhất là chính sách nâng
giá lúa và tự túc lương thực...
"Xốc"
lại liên kết bốn nhà
Theo
ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA bước qua năm 2012, Hiệp hội sẽ có những
chiến lược cho từng thị trường cụ thể để giữ được thị phần, đồng thời đảm bảo
thu mua lúa gạo ổn định để người nông dân có lợi nhuận từ 30% trở lên. Mặt
khác, VFA sẽ có giải pháp kêu gọi, khuyến khích bà con nông dân cần tăng cường
sản xuất thêm lúa thơm Jasmin. Đây là loại gạo mà chúng ta đang mở rộng thị trường
và giá cả cũng hợp lý, cộng với chất lượng được cải thiện nhiều, đặc biệt là
thị trường Hongkong (Trung Quốc), Singapore. Đối với giống IR 50404 do thị
trường gạo cấp thấp và gạo cấp trung bình thì vẫn có nhu cầu, nhưng nên trồng ở
mức độ vừa phải, tránh trường hợp nhiều diện tích xuống giống chất lượng thấp
quá sẽ gặp khó khăn trong năm 2012.
Tuy
nhiên, về lâu về dài, Giáo sư T.S Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia đầu
ngành lúa gạo thì cho rằng, ngành lúa gạo nước ta chỉ nên chọn ra vài giống chủ
lực, sau đó hoàn thiện công nghệ và đầu tư cho khâu sản xuất giống để đưa ra
vài giống lúa phục vụ xuất khẩu để tránh tình trạng có quá nhiều loại giống như
hiện nay. Đồng thời, DN phải chủ động được nguyên liệu vì thực tế, hiện nay
phần lớn DN xuất khẩu gạo của VN chưa có vùng nguyên liệu. DN là chủ thể trực
tiếp tiếp cận với thị trường nên họ phải có vai trò, trách nhiệm chính trong
việc xây dựng thương hiệu. Nếu gạo không có thương hiệu thì thị trường có khả
năng thu hẹp, hiệu quả thấp. Có thương hiệu mới bán được giá cao, giá trị gia
tăng của sản phẩm gạo sẽ tăng lên, đem lại lợi nhuận cho cả DN và nông dân.
Liên
quan đến việc chủ động nguồn nguyên liệu và liên kết với người nông dân, ông
Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPPS) cho
biết, nếu các DN cùng chung tay hỗ trợ người nông dân thực hiện mô hình “Cánh
đồng mẫu lớn” thì giá trị và thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ được nâng lên. Với
cách làm này, nông dân sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất, bán được lúa
với giá cao hơn từ 3-4 triệu/ha so với tự làm bình thường, còn DN thì ổn định
được vùng nguyên liệu thu mua lúa với khối lượng lớn, chất lượng đồng đều,
không phải qua nhiều khâu trung gian, việc vận chuyển, chế biến, xuất khẩu cũng
thuận lợi hơn.
Để
minh chứng cho việc trên, ông Thòn cho biết, từ khi triển khai mô hình này tới
nay đã có trên 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu
Long tham gia. Dự kiến, trong vụ đông xuân 2011-2012 diện tích sẽ sẽ tăng lên
20.000ha và đến năm 2013 đạt 100.000-200.000ha, trong đó mỗi tỉnh sẽ có diện
tích từ 10.000-20.000ha.
Theo
T.S Phạm Văn Dư - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, với 210 doanh nghiệp xuất khẩu
gạo hiện nay, trong đó thành viên VFA là 123 doanh nghiệp, nếu mỗi đơn vị xây
dựng cho mình một “cánh đồng mẫu lớn” diện tích 1.000ha thì cả nước sẽ có ít
nhất 123.000-210.000ha vùng nguyên liệu, chiếm 7,4-12,7% diện tích canh tác.
“Không thể hình thành thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam nếu không có vùng sản
xuất đủ tiêu chuẩn, mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ từng bước giúp nông dân sản
xuất theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch cụ thể”, ông Dư nhấn mạnh. Cánh đồng
mẫu lớn sản xuất lúa mang tính hiện đại hơn làm gia tăng chất lượng lúa gạo và
làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP thông qua tăng cường liên kết 4
nhà và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất.
Theo BaoCongThuong
|