|
Những bất ổn về kinh tế vĩ mô, lãi suất cao, thiếu vốn sản
xuất... gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, khủng hoảng kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 kéo
dài tới nay khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 phát
triển chậm. Song trong khó khăn đó, theo đánh giá của Bộ Công thương, năm qua,
sản xuất công nghiệp vẫn có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, xuất khẩu đã
vượt trội cả về quy mô và tốc độ tăng so với năm trước.
2011 – Xuất khẩu vượt trội nhiều mặt
Hôm qua, 5-1, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm
2011, kế hoạch năm 2012 và một số định hướng chủ yếu kế hoạch 5 năm 2011-2015,
lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, sản xuất công nghiệp năm 2011 tuy gặp nhiều
khó khăn, nhưng vẫn có những chuyển biến đáng kể, năng lực sản xuất, cơ cấu
ngành thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu tính theo giá cố định năm 1994,
giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 912,55 nghìn tỷ đồng, tăng
12,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 3,0%; khu vực
kinh tế ngoài nhà nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8%.
Cùng với đó, thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, bảo
đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, những mặt hàng
có khối lượng tiêu dùng lớn. Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát
triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo
hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và
doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, tăng 24,2% so với năm 2010. Đây là mức
tăng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.
Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Phan
Văn Chinh nhấn mạnh: Năm 2011, với những nỗ lực tập trung thúc đẩy xuất khẩu,
chúng ta đã kiềm chế được nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Cụ
thể, tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, do đó, nhập siêu
đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP
vượt mức 80%, năm 2010 là 70%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỉ
USD. "Có thể nói, năm 2011 được xem là năm thiên thời của ngành xuất khẩu
Việt Nam khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2011 đạt tới 96,3 tỷ USD,
tăng 33,3% so với năm 2010”.
Năm 2012, duy trì tỷ lệ nhập siêu ở mức 10%
Với kịch bản phát triển kinh tế cho năm 2012, phấn đấu đạt
tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ước khoảng 6,0-6,5%, Bộ trưởng Bộ Công
thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngành công thương phấn đấu để giá trị sản xuất
công nghiệp tăng 13%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5%
so năm 2011, xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8
tỷ USD... Mục tiêu này, theo Bộ trưởng Hoàng, không phải dễ dàng thực hiện khi
nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn cũng như bản thân các doanh
nghiệp vẫn còn gặp khó về vốn cho sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, theo Bộ trưởng,
để đạt mục tiêu này trong năm tới, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
cho doanh nghiệp về vốn cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường huy
động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Bộ trưởng yêu cầu, toàn ngành
công thương cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp và
xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó,
chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao,
công nghiệp cơ khí trọng điểm.
Riêng đối với xuất nhập khẩu, mặc dù mục tiêu xuất khẩu 2012
sẽ tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD, song, các dự
báo cũng cho thấy, yêu cầu nhập khẩu sẽ khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với
năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch
xuất khẩu. "Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Chính
phủ với các địa phương, ngành Công thương, phấn đấu tỷ lệ nhập siêu không cao
hơn năm 2011 tức là khoảng 10%” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu này, Bộ
Công thương cần những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm
soát nhập khẩu. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy
mạnh sản xuất, xuất khẩu đã nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ
Công thương cần xây dựng được Chiến lược xuất nhập khẩu dài hơi. Đặc biệt là
tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới, cải tiến các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất
là là các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012
nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng
hóa mặt hàng xuất khẩu để phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới có tiềm
năng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần rà soát cơ cấu đầu tư, tiếp tục
nghiên cứu những chính sách khuyến khích hơn nữa việc đầu tư sản xuất hàng hóa
xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, cần hạn chế đầu tư vào khu
vực phi sản xuất, kết hợp với tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất
trong nước trong công tác đấu thầu, nhất là là các dự án sử dụng vốn có nguồn
gốc ngân sách. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đối với việc xây dựng các hàng
rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa
kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Theo INFOTV
|