Các dự báo hiện nay cho rằng đáy khủng hoảng là
2012, nhưng đó là khi kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái kép và khu vực
đồng Euro không đổ vỡ”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế
Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành lưu ý như vậy.
Hàng loạt bài phát biểu của nhiều diễn giả tại
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức tại Hà Nội ngày
10/1, cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu năm nay đầy những bất ổn, từ suy
thoái kinh tế Mỹ chưa dễ vượt qua, đến khủng hoảng nợ công châu Âu có khả năng
làm tan rã khối đồng tiền chung Euro…
“Nhưng có một chút điểm sáng”, ông Thành nói.
“Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Á vẫn là cực tăng trưởng của thế giới, vẫn
là khu vực có hệ thống tài chính tương đối lành mạnh hơn châu Âu, vẫn là khu
vực dư thừa tiền, dự trữ ngoại hối của khu vực lên tới 6.500 tỷ USD, riêng
Trung Quốc là 3.300 tỷ USD”.
Cho nên, vị chuyên gia đến từ CIEM cho rằng,
trong chu kỳ suy giảm kinh tế thế giới này, quốc gia láng giềng phía Bắc là một
trong những đối tác có thể trở thành “cọc bám” cho nền kinh tế Việt Nam, và
“còn khai thác được”.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp
đầu tư nước ngoài cũng cho biết, việc Trung Quốc “hưởng lợi” từ hai cuộc khủng
hoảng 1997 và 2009 để vươn lên vị thế quốc gia số 2 về kinh tế ngay trong năm
2010, trước dự kiến khoảng 10 năm, đưa đến nhiều đoán định rằng quốc gia này có
thể lại vẫn đối phó được với suy thoái lần này.
“Thế giới cũng không thể để Trung Quốc thất bại
được, bởi vì nếu thất bại thì có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn việc làm tại
Mỹ”, ông Mại lập luận thêm. Nhắc lại một kết quả nghiên cứu trước đây, vị này
cũng khẳng định rằng, đối tác từ trước tới nay, và về sau của Việt Nam vẫn là
Trung Quốc.
Về mặt con số thực tế, ông Thành nhấn mạnh rằng
trong năm 2011, góp vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lên tới 33% so với
năm trước đó, hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng tới 50%.
Theo con số chính thức của Tổng cục Hải quan, kim
ngạch xuất khẩu với quốc gia hơn 1 tỷ dân đã tăng thêm khoảng 3,4 tỷ USD trong
11 tháng năm 2011, lên mức gần 9,7 tỷ USD, thuộc số thị trường xuất khẩu truyền
thống của Việt Nam có mức tăng trưởng cao năm qua.
Tổng cục Thống kê cũng tính toán rằng, xuất khẩu
năm 2011 đóng góp 9,62% vào GDP. Với các dự báo đầu tư trong nước tiếp tục
giảm, tiêu dùng trừ yếu tố giá đang tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng sản lượng
của nền kinh tế…, xuất khẩu có thể là điểm tựa cho GDP năm nay hay không chưa
thể khẳng định, nhưng cũng đáng quan tâm.
Trong khi đó, một “lý thuyết” lâu nay vẫn cho
rằng, nếu duy trì được ổn định vĩ mô trong nước thì vốn đầu tư trực tiếp sẽ đổ
vào Việt Nam nhiều hơn. Cho nên, con số 3.300 tỷ USD dự trữ của Trung Quốc được
nhìn nhận là một cơ hội.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội
thông tin thêm, trong năm nay Trung Quốc có thể sẽ “nhảy lên” trong thứ tự đối
tác lớn đầu tư vào Việt Nam, do được cấp chứng nhận đầu tư dự án khủng lên đến
gần 2 tỷ USD.
Nhưng, lý thuyết có thể không như thực tế.
Ông Nguyễn Mại cảnh báo, năm 2012 Việt Nam sẽ
cùng với 4 nước còn lại trong khu vực ASEAN “mở toang cửa” với Trung Quốc.
“Mình chưa mở toang cửa đã tràn ngập hàng Trung Quốc như vậy, đấu thầu thì 80%
là nhà thầu Trung Quốc thắng, thương gia Trung Quốc mua nông sản Việt Nam từ
trong Nam cho đến ngoài Bắc”, ông nói.
“Đồng tiền Việt Nam được định giá quá cao so với
USD, trong khi Nhân dân tệ lại mất giá so với ngoại tệ này, bao nhiêu thì chưa
có tính toán chính thức nhưng tương quan như thế làm gì chẳng nhập siêu”,
nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới Võ Đại Lược lưu ý thêm
Một chi tiết liên quan được báo cáo “Triển vọng
kinh tế Việt Nam 2012-2013” đề cập. Đó là theo tính toán của Ủy ban Giám sát
tài chính Quốc gia, tính đến tháng 9/2011, chỉ số tỷ giá thực song phương giữa
VND và USD đạt 78,8. Cơ quan này cho rằng, đồng nội tệ đang được định giá cao
hơn 21,2% so với bạc xanh.
Ông Mại cũng lưu ý rằng, trong khi tốc độ tăng
trưởng thương mại hai chiều với Trung Quốc đều tăng mạnh trong năm 2011, Việt
Nam vẫn là nước nhập siêu tới 12 tỷ USD, lớn hơn mức nhập siêu của cả nước cùng
năm chỉ khoảng 9,5 tỷ USD.
Và khi nhập siêu lớn hơn, đóng góp của ngoại
thương vào tăng trưởng sẽ giảm. Kéo theo đó là rủi ro tỷ giá xuất hiện, là tiêu
dùng tiết kiệm của quốc gia khác dẫn đến vay nợ nhiều hơn… Suy luận theo lý
thuyết cho kết quả như vậy.
Nhưng đáng chú ý hơn là 3.300 tỷ USD dự trữ của
Trung Quốc có thể chỉ là “cá gỗ”. Ông Nội lưu ý rằng, nếu loại trừ dự án điện
gần 2 tỷ USD nói trên, đầu tư của Trung Quốc chưa vào nhiều. Nhìn về triển vọng
đầu tư ở phía trước, vị nọ nói thẳng: “Tôi chưa nhìn thấy cơ hội rõ ràng”.
Hơn 86 triệu dân với thói quen tiêu dùng từ hàng
“xịn” đẳng cấp thế giới đến đồ rẻ tiền, trong quan điểm của ông Nội, có thể
không nằm trong lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư bên kia biên giới.
“Bây giờ, giao thương thuận lợi nên nhà sản xuất
Trung Quốc hoàn toàn có thể bán rẻ vào Việt Nam, không những thế còn xuất khẩu
qua đường tiểu ngạch nữa, tránh thuế”, ông Nội nói. “Để vào thị trường Việt
Nam, doanh nghiệp Trung Quốc không nhất thiết phải sản xuất ở trong nước”.
Theo VnEconomy