Trở về Việt Nam tham dự chương trình Xuân quê hương do uỷ ban
Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chiều ngày 15.1 tại quảng trường
Ba Đình, ông Tiêu Như Phương, Việt kiều Đức chia sẻ, năm 2011 vừa qua, hàng thủ
công mỹ nghệ của Việt Nam, mặt hàng chính mà công ty ông xuất sang thị trường
châu Âu và Mỹ đã bị giảm sút.
Tuy nhiên, ông Phương lại thành công với khu resort năm sao
Đà Lạt Eden tại Lâm Đồng vừa khánh thành vào tháng 5 năm ngoái. Ông Phương cho
rằng, năm 2012 có thể chỉ là khó tạm thời với các doanh nghiệp muốn làm ăn tại
Việt Nam. Bởi trong lúc này, nếu như doanh nghiệp bớt e dè, mạnh dạn đầu tư vào
lĩnh vực bất động sản cho du lịch, như ông đang làm thì sẽ rất thuận lợi. “Tôi
rất lạc quan về khu resort của mình, cái quan trọng khi đầu tư vào du lịch là
đánh giá được địa điểm tốt, đánh giá được tương lai của địa phương đó, đầu tư
đón trước và Đà Lạt là nơi rất có triển vọng”, ông nói.
Dường như lĩnh vực du lịch cũng là mối quan tâm của nhiều
doanh nghiệp Việt kiều khác. Chị Phan Bích Thiện, giám đốc điều hành khách sạn
bốn sao “Lâu đài Fried” tại Hungary cho biết, một trong những yếu tố giúp Fried
được bình chọn là khách sạn của năm 2011 chính là phong cách Việt Nam trong
thiết kế, sử dụng các đồ thủ công mỹ nghệ như sàn tre. Bên cạnh đó, các món ăn
như nem, phở Việt cũng giúp Fried hấp dẫn du khách.
Vì vậy, chị Thiện cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác nhiều
hơn với các doanh nghiệp trong nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, để
thúc đẩy phát triển du lịch. Mới đây, tờ nhật báo lớn nhất của Hungary là Tự do
nhân dân đã chọn một chuyến du lịch Việt Nam làm giải thưởng cho độc giả của
họ. Điều đó cho thấy Việt Nam là địa điểm rất hấp dẫn và nhiều tiềm năng.
Là chủ công ty du lịch Hit Voyages tại Paris, Pháp, chuyên tổ
chức các tour du lịch cho khách châu Âu đến Việt Nam, Lào và Campuchia, ông
Trần Tứ Nghĩa khẳng định, nhiều khách nước ngoài ưa thích Việt Nam vì phong
cảnh xinh đẹp, mỗi miền một đặc trưng từ Tây Bắc đến các vùng biển miền Trung,
đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam có bề dày lịch sử và là điểm đến an toàn cho
du khách. “Nếu như các hãng, nhà hàng, khách sạn… trong nước làm tốt thì 2012
vẫn có rất đông khách”.
Trở lại với câu chuyện xuất khẩu hàng Việt Nam trong năm mới, ông Tiêu Như
Phương nói, hàng thủ công mỹ nghệ Việt đang dần mất đi tính hấp dẫn, bởi khách
hàng luôn đòi hỏi các mẫu mã phong phú, đa dạng, thay đổi liên tục. Do đó, nỗ
lực của ông sắp tới là đầu tư để cải tiến mẫu mã, để suy giảm nhu cầu có thể
“nằm trong tầm kiểm soát”.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ ở
tầm cao hơn, như thông tin thị trường cụ thể từ các tham tán thương mại, phương
thức tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế làm sao cho doanh nghiệp
Việt nổi bật hơn…
Theo INFOTV