Kinh tế Trung Quốc trong quý 4 vừa qua tăng trưởng với tốc độ
chậm nhất trong 10 quý do sự suy giảm nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu,
cũng như ảnh hưởng của các biện pháp chống lạm phát và sốt bất động sản.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc
công bố ngày hôm nay (16/1) cho biết, GDP nước này tăng trưởng 8,9% trong quý
cuối cùng của năm 2011 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 8,7% mà giới
phân tích đưa ra. Tuy nhiên, đây là quý đầu tiên kể từ giữa năm 2009, tăng trưởng
kinh tế nước này giảm dưới 9%.
Tăng trưởng giảm tốc đang làm gia tăng áp lực đối với Chính
phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ
tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng đã dự báo về triển
vọng đi xuống đối với lĩnh vực xuất khẩu, trong khi những lo ngại về lạm phát
không còn căng thẳng như trước.
Theo giới phân tích, sau một thời gian thắt chặt chính sách
kéo dài, giờ là lúc Bắc Kinh chuyển sang nới lỏng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất
là làm thế nào để cân bằng giữa hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và chống lạm
phát, vì giá cả có thể leo thang mạnh trở lại nếu chính sách bị nới lỏng quá
đà.
“Ở thời điểm hiện nay, thách thức đối với các nhà hoạch định
chính sách của Trung Quốc là thực thi các biện pháp làm tăng nhu cầu nội địa mà
không gây cản trở tiến trình chống lạm phát”, ông Jing Ulrich, Chủ tịch phụ
trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng JPMorgan Chase, nhận xét.
Mặc dù đã giảm tốc còn 4,1% trong tháng 12, tốc độ lạm phát của
Trung Quốc vẫn lên tới 5,4% trong năm 2011, vượt xa mục tiêu 4% mà Chính phủ nước
này đề ra. Trong cả năm 2011, GDP của Trung Quốc tăng 9,2% so với mức tăng
10,4% đạt được trong năm 2010.
“Những con số này khẳng định, kinh tế Trung Quốc ít có khả
năng ‘hạ cánh cứng’. Nhưng Trung Quốc cũng không nên hài lòng sớm, vì những rủi
ro về sự sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán và khủng hoảng toàn cầu
vẫn còn đó”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Mizuho Securities
Asia, ông Shen Jianguang, nhận xét.
Ngân hàng UBS dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm
tốc về mức 7,7% trong quý 1 năm nay. Trong khi đó, ngân hàng Nomura dự báo mức
tăng chỉ 7,5%.
Theo các ngân hàng của ngân hàng BPN, Ngân hàng Trung ương
Trung Quốc (PBoC) có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ xa hơn trong nửa đầu
năm nay, với một lần hạ lãi suất vào tháng 3 và 3 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Theo VnEconomy