|
Xây dựng và phát triển
thương hiệu của các làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại,
hội nhập toàn cầu trở
thành yếu tố cạnh tranh cơ bản của làng nghề để tồn tại và phát triển một cách
bền vững. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp phải nhiều khó
khăn khi tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường, do chưa thực sự chú trọng
đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Theo thống kê của Hiệp
hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có khoảng 2.790 làng nghề. Các sản phẩm của các
làng nghề được các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đánh giá rất phong
phú đa dạng, đặc biệt có nhiều sản phẩm tinh xảo mang tính sáng tạo cao. Với
những đặc thù đó của các sản phẩm làng nghề truyền thống, việc xây dựng và
quảng bá thương hiệu làng nghề, là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc đăng ký
nhãn hiệu độc quyền của làng nghề. Bởi vì, nó sẽ giúp cho làng nghề được bảo vệ
về mặt pháp luật, đồng thời giữ được uy tín, thương hiệu cổ truyền của làng
nghề.
Tuy nhiên, không nhiều làng nghề đăng ký thương hiệu. Ví dụ như tại Hà Nội,
hiện có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó là 244 làng nghề truyền thống với
47 nhóm nghề thì trong số đó, làng nghề đã xây dựng và đăng ký thương hiệu rất
ít. Việc không có thương hiệu, đã làm giảm đáng kể sức tiêu thụ hàng hoá. Tuy
nhiên, xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt tên cho hàng hóa, dịch
vụ, rồi đăng kí bảo hộ mà là cả một quá trình gian nan, một quá trình tự khẳng
định mình với sự đầu tư hợp lý.
Nhiều ý kiến cho rằng,
nhiều doanh nghiệp vẫn ngại đăng ký thương hiệu vì thủ tục rườm rà, rắc rối,
chồng chéo. Theo đánh giá của các chuyên gia, để tạo sức cạnh tranh cao trên
thị trường, việc xây dựng thương hiệu cho mỗi sản phẩm làng nghề là việc làm
khó khăn, vì nó đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất
lượng sản phẩm... Nhưng để sản phẩm phát triển bền vững, tránh hiện tượng làm
hàng giả, hàng nhái thì phải có công nhận thương hiệu của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, nếp nghĩ của phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề hiện nay
đều cho rằng, sản phẩm đã có "truyền thống" lâu đời thì ắt sẽ được
mọi người ghi nhận nên chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu. Có chăng chỉ
là xây dựng logo, giới thiệu chỉ giới địa lý, mã số mã vạch nên tiềm năng của
làng nghề chưa được đánh thức. Do phần nhiều các sản phẩm làng nghề chưa đăng
ký thương hiệu, nên khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, các cơ quan chức năng
không thể bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất. Mặt khác, tỷ lệ thành lập tổ
chức làng nghề của các địa phương còn rất ít nên việc xây dựng chương trình
quảng bá, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế.
Tình trạng chung của
nhiều làng nghề hiện nay, mặc dù đã có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên
thế giới nhưng còn rất nhỏ lẻ, và hầu hết phải qua khâu trung gian do chưa được
đầu tư phát triển đúng mức. Người dân còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên hầu
như phải xuất khẩu qua các khâu trung gian. Đây cũng là nguyên nhân làm cho
nhiều sản phẩm làng nghề chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Hiệp hội
Làng nghề Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có làng gốm Bát Tràng
là biết cách xây dựng thương hiệu làng nghề. Còn lại, các làng nghề khác chủ
yếu rơi vào tình trạng xuất thô, mất hết thương hiệu.
Có nhiều lý do dẫn đến
việc các làng nghề không mặn mà với việc làm thương hiệu, song lý do chính là
với lối sản xuất thủ công, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ nên sự
gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao, mạnh ai nấy làm, ít làng nghề có
đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại
diện pháp lý cho làng nghề; bên cạnh đó, do sự thiếu hiểu hết về ý nghĩa, giá
trị của thương hiệu làng nghề, và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu
làng nghề.
Để xây dựng được thương
hiệu cho làng nghề, theo các chuyên gia, ngoài sự chủ động, và tự ý thức của
các làng nghề, Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các làng nghề khắc phục tình trạng
sản xuất nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp
mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi
để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chủ doanh
nghiệp, cơ sở cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ xây
dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống rất
cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới
nâng cao được giá trị xuất khẩu.
Các làng nghề hiện nay
đang giải quyết việc làm cho khoảng 11-12 triệu lao động. Vì thế, quan tâm xây
dựng thương hiệu là việc làm cần thiết, giúp người dân có thể dựa vào đó mà làm
giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo BaoMoi
|